MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình hình lạm phát tại Mỹ, Châu Âu tác động không nhỏ đến ngành dệt may. Ảnh: Ngọc Hân

Lạm phát tại Mỹ, Châu Âu đang tác động lớn đến ngành dệt may trong nước

Vũ Long LDO | 14/09/2022 22:19

Tình trạng lạm phát tại một số nền kinh tế khổng lồ như Mỹ, Châu Âu tăng cao đang ảnh hưởng đến xuất khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có dệt may.

Lạm phát tại các nền kinh tế lớn tác động đến ngành dệt may trong nước

Thông tin từ Cục Thống kê Lao động Mỹ ngày 13.9 cho biết, mặc dù giá xăng đã giảm nhưng lạm phát vẫn tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 8.2022 do chi phí thuê nhà và thực phẩm tăng vọt đã lấn át đà giảm của giá xăng dầu. Trước tình hình chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8.2022 của Mỹ tăng 8,3%, giới phân tích nhận định lạm phát tại Mỹ đang tăng cao và có thể còn nóng hơn trong thời gian tới.

Thực tế, trong bối cảnh chi phí thực phẩm tăng vọt, giá bánh mì tại Mỹ đã tăng 2,2% trong tháng 8 và tăng 16,2% so với một năm trước đây. Bên cạnh đó, giá trứng - mặt hàng tiêu dùng khá lớn tại quốc gia này tăng 2,9% trong tháng 8 và "phi mã" tới 39,8% trong một năm qua.

Còn tại châu Âu (EU), ước tính nhanh từ Văn phòng thống kê EU (Eurostat) cho thấy, lạm phát khu vực đồng tiền chung tháng 8.2022 tính theo năm đã tăng lên mức cao kỷ lục 9,1%, điều này cho thấy khả năng khá chắc chắn về một đợt tăng lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Trung ương EU trong những tháng tới.

Lạm phát tăng cao, giá hàng hóa “nhảy múa” đã khiến người tiêu dùng tại Mỹ và EU “thắt chặt hầu bao”, giảm chi tiêu hàng không thiết yếu như mỹ phẩm, thời trang, đặc biệt là các mặt hàng cao cấp. 

Theo VNDirect Research, nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như sơmi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022 một phần bởi tiết kiệm chi tiêu của người dân các nước. Điều này đã tác động không nhỏ đến ngành dệt may Việt Nam trong những tháng gần đây, bởi nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ, EU đã rút ngắn đơn hàng, thậm chí một số đơn hàng đang bị tạm dừng.

Lợi nhuận của doanh nghiệp co nhỏ do thiếu đơn hàng

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng cho hay, số lượng đơn hàng Việt Thắng Jean đã giảm trên 30% bởi nhiều yếu tố bất định do lạm phát tại các quốc gia lớn như Mỹ, EU. 

Điều đáng nói là, trong khi đơn hàng giảm, chi phí cho dệt may lại tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Do thiếu ngành công nghiệp phụ trợ để cung cấp nguyên liệu, ngành dệt may hầu hết nhập khẩu đến khoảng 80% nguyên, phụ liệu sản xuất. Đây chính là điểm yếu của ngành, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp thu về rất nhỏ. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, lợi nhuận càng thêm teo tóp.

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, mặc dù các nguyên liệu, vật liệu được sản xuất trong nước có chi phí cao hơn nhập khẩu giá rẻ từ thị trường ngoài (đặc biệt là Trung Quốc), nhưng có lợi thế chủ động, tự cường đòi hỏi ngành công nghiệp hỗ trợ phải phát triển mạnh để tạo được sản phẩm có khả năng thay thế nhập khẩu hiệu quả.

“Cần hình thành các chuỗi cung ứng ổn định, chuyên nghiệp và chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Điều đó cần một chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển nhất là về nguyên phụ liệu. Đồng thời, cần hình thành cụm công nghiệp, khu hay tổ hợp công nghiệp hỗ trợ cho ngành này” – PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam Trương Văn Cẩm đã đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp nguyên liệu cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Đây tiếp tục là vấn đề ngành dệt may mong muốn được Chính phủ quan tâm, phê duyệt sớm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn