MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm thế nào để tiền chảy vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Anh Kiệt LDO | 10/06/2023 19:49
Cần thêm những giải pháp giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm khơi thông trở lại, tiếp tục phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn bền vững cho nền kinh tế.

Thử thách tại "vùng trũng"

Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gặp khó. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 26.5.2023 chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong tháng 5.2023. Trước đó vào tháng 4 ghi nhận 1 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỉ đồng (tương đương 10% tổng khối lượng phát hành của tháng trước).

Các chuyên gia đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cao, tâm lí nhà đầu tư chưa ổn định sau các sai phạm, doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa kịp thích ứng với các quy định pháp lí mới…

Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan quản lí đã đưa ra hàng loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trọng yếu này. Sau khi Nghị định 08 ra đời, 15 doanh nghiệp đã phát hành thành công trên 26.000 tỉ đồng trái phiếu, 16 doanh nghiệp đàm phán thành công gần 8.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn... 

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả và bền vững cho nền kinh tế. Ảnh: Đức Mạnh 

Củng cố niềm tin nhà đầu tư, tăng chất lượng của doanh nghiệp   

Để gỡ vướng cho thị trường trái phiếu cần sự phối hợp giữa các bên liên quan. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - đề xuất cần thành lập hiệp hội đầu tư trái phiếu ở từng doanh nghiệp cho từng đợt phát hành. Những người này sẽ đại diện cho trái chủ kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn phát hành xem đúng hay không. Nếu có vấn đề, họ sẽ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp cũng như các trái chủ để hai bên hiểu nhau và thực hiện đúng mục đích phát hành. Niềm tin sẽ hình thành từ những hành động cụ thể như thế này.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký VBMA - cho biết: "Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải chủ động trong việc thay đổi phương thức quản trị, điều hành, minh bạch hóa thông tin và đáp ứng được các yêu cầu mới của pháp luật liên quan đến quy định về phát hành trái phiếu".

Theo ông Quỳnh, hiện nay Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó yêu cầu phải có xếp hạng tín nhiệm, có kiểm toán mục đích sử dụng vốn, đưa trái phiếu qua sàn giao dịch trái phiếu tập trung, nâng cao chuẩn yêu cầu về công bố thông tin... Đồng thời thay đổi trách nhiệm của tổ chức trung gian, quy trình trong việc phân phối trái phiếu, yêu cầu nhà đầu tư phải kí cam kết xác nhận về thông tin cũng như mức độ rủi ro của trái phiếu đó. 

Điều quan trọng và cũng là yếu tố nền tảng chính là làm sao nâng cao được chất lượng của doanh nghiệp. Đầu tiên là tính minh bạch, chuyên nghiệp khi thực hiện huy động vốn. Những điều này mới tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường, từng bước đi lên một cách lành mạnh và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn