MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vàng có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình phi đôla hóa của nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới. Ảnh minh họa: Phan Anh

Làn sóng tích trữ vàng của các ngân hàng Trung ương

Ngọc Thiện LDO | 26/02/2024 18:12

Hơn một thập kỷ qua, các ngân hàng Trung ương trên thế giới luôn đều đặn tích trữ vàng. Tuy nhiên, nhu cầu với kim loại quý này đã tăng vọt trong 2 năm qua, đưa trữ lượng vàng toàn cầu lên hơn 1.000 tấn trong năm 2022 và 2023.

Các nhà phân tích hàng hóa tại ANZ cho biết, trong hai năm qua, việc mua vàng của các ngân hàng Trung ương trên thế giới dần tăng lên vì thị phần toàn cầu của kim loại quý này đã tăng gấp ba lần, chiếm từ 25% đến 30%.

Mặc dù tốc độ mua có thể chậm lại so với tốc độ kỷ lục ở thời điểm hiện tại, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) dự đoán nhu cầu sẽ vẫn là yếu tố chi phối thị trường vàng trong ít nhất 6 năm tới.

“Các ngân hàng Trung ương tại các nền kinh tế mới nổi có thể mua hơn 600 tấn vàng hàng năm cho đến năm 2030, qua đó nâng tỉ lệ dự trữ ngoại hối lên 10%. Trung Quốc có thể sẽ chiếm thị phần lớn nhất trong nhu cầu vàng trên toàn cầu" - RBA dự đoán.

Nguyên nhân được chỉ ra bắt nguồn từ sự bất ổn địa chính trị gia tăng, rủi ro kinh tế đi kèm với áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Đây là những yếu tố chính tiếp tục thúc đẩy hoạt động mua vàng của ngân hàng Trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia của ANZ cũng nhận định, có một lý do thực tế đằng sau nhu cầu lớn đối với vàng: Nhiều chính phủ cố gắng đa dạng hóa việc nắm giữ trái phiếu.

Kho bạc Mỹ hiện chiếm khoảng 59% tổng dự trữ ngoại hối được phân bổ trên toàn cầu. Tuy nhiên, giá trái phiếu đã giảm trong hai năm qua khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong 40 năm qua.

Đồng thời, lợi suất trái phiếu cao hơn đã đẩy đồng USD lên cao hơn, khiến các quốc gia phải mất thêm chi phí khi trả các khoản nợ bằng ngoại tệ là USD.

Các nhà phân tích cho biết: “Tỉ lệ này khá lớn và có thể để lại ảnh hưởng kéo dài... Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng Trung ương đang đa dạng hóa dự trữ của họ khỏi trái phiếu”.

Bên cạnh đó, vàng được cho là lựa chọn thay thế hấp dẫn cho trái phiếu vì kim loại quý này được chứng minh là tài sản ổn định trong hai năm qua.

“Thị trường vàng hoạt động vững chắc trong năm 2022-2023 bất chấp tỉ giá thực tế toàn cầu tăng mạnh, tạo nên một môi trường ổn định” - nhóm chuyên gia của ANZ nhận xét.

Động thái đa dạng hóa khỏi đồng đôla Mỹ cũng tạo thêm động lực cho xu hướng phi toàn cầu hóa đồng bạc xanh. Hệ thống tiền tệ toàn cầu đang phát triển, các công nghệ đang dần được áp dụng vào thanh toán quốc tế. Các nước trong khu vực châu Á trong đó có Ấn Độ đang nỗ lực thanh toán ngoại thương bằng đồng tiền của nước này. Hệ thống đa tiền tệ đang phát triển sẽ dần chiếm thêm tỉ trọng trong danh mục dự trữ ngoại tệ. Trong đó, vàng có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Mặc dù thị trường vàng tiếp tục chờ đợi chất xúc tác khi giá ổn định trên 2.000 USD/ounce, các nhà phân tích tại ANZ cho rằng, nhu cầu của ngân hàng trung ương sẽ giúp hỗ trợ giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 2.200 USD vào cuối năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn