MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghề làm lò đất ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã có hơn trăm năm tuổi. Ảnh: Nguyên Anh

Làng nghề lò đất hơn trăm năm đen tay, đỏ lửa

NGUYÊN ANH LDO | 08/02/2024 15:00

Trải qua nhiều thăng trầm, biến động có những lúc tưởng chừng bị “xóa sổ” thế nhưng ngọn lửa đỏ ở làng nghề làm lò đất hơn trăm năm tuổi của tỉnh Kiên Giang vẫn còn cháy rực đến hôm nay.

Từng là nghề rất “nóng”

Đến ấp Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, Kiên Giang chúng tôi có dịp trò chuyện với những người làm nghề nắn lò đất, nghề truyền thống của bà con nơi đây. Kể về thời hoàng kim của nghề, ông Nguyễn Văn Bé, 72 tuổi, người đã dành khoảng 50 năm gắn bó với nghề nặn lò đất suy tư. Ông Bé kể thời cực thịnh tại ấp này nhà nhà đều theo nghề nặn cà ràng “ông Táo”.

Ông Bé cho biết, mấy chục năm trước còn thịnh vượng, bà con mình xài lò đất nhiều thì làng nghề ăn nên làm ra dữ lắm. Xóm này hầu như nhà nào cũng làm lò đất, nồi đất bán cho thương lái khắp nơi thu mua. Dần dần nhiều bếp lò hiện đại ra đời rồi nguyên liệu làm tăng giá, bà con bỏ nghề cũng nhiều.

Ông Bé cười bảo, nghề này nóng lắm, suốt ngày phơi nắng rồi lại phơi lửa, không phải ai cũng chịu nổi. Dù giá bán không cao nhưng vì bán được số lượng lớn, người làm nghề đủ nuôi gia đình nên nhiều người cũng tranh nhau mà làm.

Lò đất sau khi nặn xong được đem ra phơi nắng. Ảnh: Nguyên Anh

“Trước kia làm truyền thống là đất mình phải đạp, giờ có máy xay đỡ cực, cũng nhanh hơn. Nguyên liệu tăng giá, cũng có khi hàng bán chậm nên nhiều người bỏ nghề. Riêng nhà tôi thì vẫn giữ nghề này, có giá hay không cũng làm tới bây giờ, nghề gắn bó máu thịt, cha truyền con nối sao bỏ được”, ông Bé tâm sự.

Tăng số lượng gấp đôi phục vụ Tết

Vừa kéo ống lò, anh Nguyễn Văn Phú vừa kể chuyện. Nhà anh 3 đời làm nghề, mỗi tháng nhà làm ra hơn 1.000 lò đất loại đốt than đá, cung cấp khắp các tỉnh miền Tây, TPHCM. Vào vụ tết số lượng tăng gấp đôi mới đáp ứng được nhu cầu.

Theo anh Phú, Tết người ta dùng lò nhiều vì thay ông Táo hoặc các quán ăn, nhà hàng cũng mua để buôn bán thức ăn. Dù số lượng tăng nhưng gia đình anh tự làm, không thuê thêm nhân công. Bình quân mỗi người kiếm lời được 300.000 đồng/ngày.

Trước kia phần thân ống lò phải kéo tay vừa chậm lại không đều lắm nếu thợ không khéo, từ đó anh nghĩ cách chế ra chiếc máy hỗ trợ kéo phần thân lò giúp nhanh hơn, chất lượng hơn, giảm nhẹ công lao động.

Anh Phú cho hay: "Thay đổi mẫu mã là do người đặt họ yêu cầu còn nếu không vẫn làm như lò cũ theo 5 cỡ, lớn nhỏ khác nhau. Dịp Tết thì khách đặt hàng tăng cao nên mình phải thức sớm hơn để làm mới kịp".

Anh Phú tự chế chiếc máy kéo thân lò chạy bằng điện giúp tăng năng suất lao động, nhẹ công hơn cho thợ. Ảnh: Nguyên Anh

Sau các công đoạn ban đầu, chiếc lò được hầm chín ở nhiệt độ cao, trong 24 tiếng, để thêm 3-4 ngày cho nguội mới ra ràng. Nghề đòi hỏi tay nghề khéo léo, lò phải dày, chắc tay, nung đến độ chín mới đạt chất lượng, dùng được lâu.

Giữ nghề truyền thống

“Hiện nay, nguyên liệu đất khan hiếm, tăng giá cao, số người làm cũng giảm bớt còn mình có mối quen mình làm hoài. Nghề này cũng cực nhưng làm riết quen cũng không thấy mệt, vì nó là cuộc sống của mình mà. Mình yêu nghề và thấy sống được thì mình theo đến giờ, cứ làm hoài chừng nào người ta nghỉ xài thì mình nghỉ làm”, anh Phú bộc bạch.

Ngoài chiếc lò đất truyền thống, một số hộ còn cải tiến lò với vật liệu xi măng pha đất, khung bên ngoài bọc sắt, để gia tăng tuổi thọ, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của khách hàng.

Bà Trần Thị Tiền, nhân công của một xưởng làm lò, cho biết bà làm ăn theo sản phẩm, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 150.000 đồng, những ngày cận Tết có khi hơn 200.000 đồng, thu nhập cũng tạm ổn lại gần gia đình nên bà Tiền vẫn bám trụ làm nhiều năm qua.

Ông Đặng Văn Nhường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòn Đất cho biết, nghề làm các sản phẩm từ đất (như nồi, lò, chảo...) đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Toàn thị trấn có gần 200 gia đình với khoảng 600 người làm nghề.

Lò đất sau khi nung có màu đỏ bắt mắt, được xếp lên ghe chở đi giao các tỉnh. Ảnh: Nguyên Anh

Theo ông Nhường, để làng nghề tiếp tục phát triển trong thời gian tới ông cũng đề xuất cần ban hành Nghị quyết để có biện pháp bảo tồn và phát huy. Ví dụ như tổ chức cho họ đi tham quan tại một số làng nghề làm gốm nổi tiếng để học hỏi kỹ thuật, công nghệ, làm ra những sản phẩm có mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, có quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét để đảm bảo cho việc khai thác, cung ứng cho nghề không còn gặp khó vì thiếu nguyên liệu.

Từng chiếc lò đất theo ghe chở đi phương xa. Cái nghề, cái nghiệp gắn với đất, với lửa, với nắng của trời đã góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống xa xưa qua bao đời mưa nắng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn