MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Thành ở làng nghề Phú Bình tỉ mỉ trang trí cho chiếc lồng đèn. Ảnh: Phương Uyên

Làng nghề Phú Bình đưa lồng đèn truyền thống lên sàn thương mại điện tử

PHƯƠNG UYÊN LDO | 19/09/2023 08:42

TPHCM - Tết Trung thu cận kề, làng nghề Phú Bình (Quận 11) sản xuất lồng đèn giấy lại đang hối hả làm những mẫu hàng cuối cùng để cung ứng ra thị trường.

Làng nghề đang dần mai một

Làng nghề lồng đèn Phú Bình nổi tiếng ở TPHCM đã hơn nửa thế kỉ nay. Xuất phát từ làng nghề ở Bác Cổ (tỉnh Nam Định), những nghệ nhân làm lồng đèn di cư vào Nam, truyền nghề qua nhiều thế hệ, tạo nên làng nghề Phú Bình.

Nơi đây từng là một làng làm lồng đèn với hàng trăm hộ gia đình theo nghề. Tuy nhiên, dưới sự thay đổi của cuộc sống, hiện chỉ còn khoảng 10 hộ gia đình duy trì nghề truyền thống này.

Làm lồng đèn không khó nhưng lại tốn thời gian và nhiều công đoạn từ khâu chọn vật liệu đến chẻ tre, tạo hình, dán giấy bóng kính, vẽ trang trí… đòi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ, sáng tạo từng chi tiết để có thể cho ra các sản phẩm với những hình thù, màu sắc độc đáo.

Tạo khung cho mẫu lồng đèn hình con bướm. Ảnh: Phương Uyên
Lồng đèn sau khi dán giấy kiếng sẽ được vẽ màu trang trí. Ảnh: Phương Uyên

Tuỳ thuộc vào độ khó của từng mẫu mà có thời gian làm ra cũng khác nhau. “Có mẫu chỉ cần 10 phút, nhưng cũng có mẫu phải vẽ nửa ngày mới xong. Chính vì vậy, giá thành của sản phẩm lồng đèn cũng khác nhau, dao động từ 20.000 - 200.000 đồng. Đặc biệt, có sản phẩm lên đến vài triệu đồng tùy theo kích cỡ và mẫu mã khách hàng đặt” - ông Nguyễn Trọng Thành (57 tuổi), chia sẻ.

Cha truyền con nối, gia đình ông Nguyễn Trọng Thành đã hơn 50 năm làm thủ công lồng đèn trung thu kích thước lớn và vẽ tinh xảo. Ông Thành cho biết, trên thị trường xuất hiện các loại đồng đèn công nghiệp với nhiều mẫu mã đa dạng nên ít nhiều có thể xem là một sự khó khăn để giữ gìn nghề làm lồng đèn thủ công. Tuy nhiên, lồng đèn truyền thống chủ yếu làm bằng tay, thủ công nên sản phẩm làm ra vẫn không đủ để cung cấp ra thị trường.

Những mẫu lồng đèn cỡ lớn hình con cá chuẩn bị được bàn giao cho khách. Ảnh: Phương Uyên

Khách hàng gia đình ông Thành là những công ty, trường học, trung tâm triển lãm mua lượng lớn lồng đèn giấy kính để trang trí. “Mỗi năm vào mùa Trung thu, gia đình tôi sản xuất hàng nghìn sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách. Để có thể đáp ứng đủ đơn hàng thì phải chuẩn bị nguyên liệu từ đầu năm, tập trung vẽ và giao cho khách vào ba tháng trước Trung thu” – ông Thành chia sẻ.

Ông Chiến làm những khung đèn cuối cùng trong dịp Trung thu năm nay. Ảnh: Phương Uyên

Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Đình Chiến (55 tuổi), làm nghề lồng đèn được hơn 30 năm nay lại lựa chọn một thị phần khác khi chỉ sản xuất loại lồng đèn cỡ nhỏ như gà, thỏ, cá, bươm bướm… Do tính chất mùa vụ của nghề nên gia đình ông Chiến chỉ làm những lúc rảnh rỗi, song song với công việc khác. Khi có thời gian rảnh, ông Chiến sẽ thu gom vật liệu và làm dần suốt năm. “Đây là một ngành nghề không khó nhưng cần phải thật sự yêu nghề và bỏ ra nhiều công sức thì mới có thể theo được” - ông Chiến chia sẻ.

Những mẫu lồng đèn nhiều hình con vật khác nhau treo trong nhà ông Chiến. Ảnh: Phương Uyên

Tìm hướng đi mới

Những hộ dân làm lồng đèn tại làng nghề Phú Bình cũng nhạy bén tạo ra những mẫu lồng đèn mới đẹp mắt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Những mẫu lồng đèn xoay quanh những hình dạng con vật quen thuộc như thỏ, cá,… nhưng trở nên cầu kì và thu hút hơn.

“Hồi SEA Games 2003 tổ chức tại Việt Nam lấy con trâu làm linh vật nên mẫu lồng đèn con trâu bán rất chạy. Làm được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bây giờ năm nào thấy con vật gì đang được ưa chuộng thì mình làm mẫu lồng đèn con đó nhiều hơn để bán” - chị Xuân Anh (40 tuổi) - làm nghề hơn 30 năm chia sẻ.

Chị Xuân Anh hối hả làm lồng đèn để kịp giao cho khách. Ảnh: Phương Uyên

Để thích ứng với xu hướng mua sắm thời hiện đại, hiện các hộ gia đình làm lồng đèn truyền thống ở làng nghề Phú Bình còn mang sản phẩm lên bán trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội để dễ dàng tiếp cận hơn với người tiêu dùng, không chỉ ở TPHCM mà các tỉnh, thành khác. Hết dịp Trung thu, các hộ tại đây lại tất bật chuẩn bị cho một mùa Giáng sinh với những chiếc đèn ngôi sao rực rỡ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn