MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng nghề xuồng ghe trăm năm nuôi hy vọng hưng thịnh trở lại

HOÀNG LỘC LDO | 28/05/2023 14:03

Làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài xã Long Hậu, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đã tồn tại trên 100 năm nhưng đang dần mai một do không tìm được đầu ra. Tuy nhiên, nhiều hộ dân làng nghề vẫn nuôi hy vọng chờ ngày làng nghề được hưng thịnh trở lại.

Chuyển hướng kinh doanh khác để mưu sinh

Việc đóng xuồng ghe của người dân làng nghề ở rạch Bà Đài đã dừng hẳn và họ chuyển sang kinh doanh hoặc làm việc khác do không tìm được đầu ra cho chiếc xuồng, chiếc ghe như những năm 2011 - 2013.

Đã chuyển sang mua bán dừa nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hương vẫn nuôi hy vọng làng nghề đóng xuồng ghe được hưng thịnh như xưa. Ảnh: Hoàng Lộc

Như trường hợp của vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết Hương (ở ấp Long Hòa, xã Long Hậu) có 3 đời đóng xuồng ghe. Nhưng đến năm 2016, chiếc ghe cuối cùng hoàn thành và vẫn còn “neo cạn” đến hôm nay.

Nhìn chiếc ghe 45 tấn phủ bạt nilon để bảo quản trên cạn, chị Hương ngậm ngùi chia sẻ: “Vợ chồng tôi tích góp được khoảng hơn 200 triệu đồng đóng chiếc ghe này để có sẵn giao liền khi khách đến hỏi mua mà không phải đợi chờ. Lúc đó, ghe này bán chạy lắm. Nhưng rồi đến năm 2016 dừng hẳn việc đóng ghe mới bằng gỗ nên chiếc ghe này còn đến bây giờ”.

Hiện vợ, chồng chị Hương chuyển sang mua bán dừa uống nước kiếm sống qua ngày dù trong lòng vẫn còn nuôi hy vọng một ngày nào đó nghề đóng xuồng, ghe được hưng thịnh như thời hoàng kim.

Tương tự, gia đình ông Mai Văn Chặt cũng chịu lỗ hơn gần 1,5 tỉ đồng do bán những chiếc ghe sau cùng với giá thấp chưa thu hồi được được số tiền mua gỗ đóng ghe, không kể tiền công thợ mỗi chiếc ghe cũng bốn, năm chục triệu đồng.

Chiếc ghe 70 tấn của ông Mai Văn Chặt đã “neo cạn” hơn 10 năm. Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Chặt tâm sự: “4 - 5 năm nay, gia đình tôi chuyển sang trồng quýt hồng chứ không theo được nghề đóng xuồng, ghe này nữa, dù tôi là đời thứ 3 theo nghề. Lần cuối từ giã nghề này vào khoảng năm 2018. Lúc đó, tôi bán chiếc ghe 100 tấn với giá chỉ 300 triệu đồng, trong khi nếu như lúc thịnh của làng nghề, chiếc ghe đó có giá bán 1,2 tỉ đồng trở lên. Còn chiếc 30 tấn thật giá 300 triệu đồng mà bán như tặng có 50 triệu đồng”.

Hiện còn chiếc ghe 70 tấn giá bán 650 triệu đồng mà không ai mua. Gia đình ông đã phải thay đổi hàng chục lần mái che để bảo quản trên cạn trong 10 năm nay với chi phí cũng gần 20 triệu đồng.

Bỏ nghề vì nhiều lý do

Nhiều hộ dân có truyền thống làm nghề đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài cho biết, đã ngưng việc đóng xuồng, ghe với nhiều lý do. Trong đó, việc người dùng không chọn ghe bằng gỗ mà thay vào đó là ghe bằng sắt.

Chị Nguyễn Quỳnh Yến Ngọc (ở ấp Long Hòa, xã Long Hậu) chia sẻ trong tiếc nuối: “Hiện nay, người dân mình chuộng đi ghe sắt nên những ghe gỗ như thế này phải nằm chờ ngày mục nát. Bên cạnh đó, hiện nay, giao thông đường bộ phát triển nên nhiều người chuyển sang mua xe tải vận chuyển hàng hoá".

Hiện tại, làng nghề đóng có hơn 10 chiếc ghe phải neo trên cạn, dưới sông chờ người tìm mua. Ảnh: Hoàng Lộc

“Gia đình tôi đã nghỉ đóng ghe khoảng 6 - 7 năm nay, hiện còn 5 chiếc ghe có giá trị 2 - 3 tỉ đồng là gia tài cha chồng tôi để lại giờ nằm phơi nắng, phơi mưa nhìn rơi nước mắt. Nhưng nếu việc tiêu thụ xuồng ghe được thuận tiện, có đầu ra ổn định, gia đình tôi sẽ quay lại đóng xuồng, ghe như ngày trước vì đây là nghề truyền thống của gia đình” - chị Yến Ngọc cho biết thêm.

Ông Chặt cho hay, hiện nay số người còn đeo bám làng nghề đếm trên đầu ngón tay. Thêm lý do ông nghỉ đóng xuồng, đó là nguồn nguyên liêu như gỗ sến, gỗ sao không có do quy định cấm khai thác gỗ ở rừng, chỉ mua số lượng ít ở những cá nhân trồng cây sao, cây sến.

Tháng 4.2015 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Nhưng hiện nay, tại đây có hàng chục chiếc ghe từ 30 - 70 tấn nằm trên bờ, chìm dưới sông gần chục năm chưa tìm được đầu ra. Nhiều chủ nhân có ý tháo ván làm sản phẩm khác cũng có người bỏ mặc cho thiên nhiên quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn