MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong dịp Tết Đoan Ngọ, một món ăn phổ biến không thể thiếu trong các gia đình đó là rượu nếp. Ảnh: Nguyễn Thúy

Làng Phú Thượng đỏ lửa làm cơm rượu nếp dịp Tết Đoan Ngọ

Nguyễn Thúy LDO | 20/06/2023 15:58

Cận Tết Đoan Ngọ, các hộ dân ở làng xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) tất bật ngày đêm chuẩn bị cơm rượu nếp để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là ngày diệt sâu bọ, thường diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch.

Rượu được ủ lớp men. Ảnh: Nguyễn Thúy

Như thường lệ, vào Tết Đoan Ngọ, cơm rượu nếp lại trở thành món ăn được nhiều người săn đón bởi có thể diệt ký sinh trùng, mầm bệnh trong cơ thể. Cơm nếp nồng trộn với men cay của rượu có tác dụng loại bỏ các loài ký sinh gây hại. Chính vì vậy, những ngày này người dân làng Phú Thượng lại tất bật nấu và ủ cơm rượu nếp.

Gạo nếp cái hoa vàng sẽ được xôi 2 lần. Ảnh: Nguyễn Thúy

Theo bà Nguyễn Thị Thương Huyền (58 tuổi) - người có kinh nghiệm 30 năm làm cơm rượu nếp - cho biết, năm nay do thời tiết nóng, cơm rượu nếp dễ lên men nên bà nấu muộn hơn mọi năm.

“Cơm rượu được làm từ gạo nếp ủ men và đường nên có tính ấm. Thời tiết nắng nóng như mấy hôm nay, khâu ủ men là quan trọng nhất vì không cẩn thận là rượu hỏng sạch. Thường từ lúc ủ đến khi được rượu mất 1 - 2 ngày. Nếu quá, rượu sẽ cay và không ngon”, bà Huyền nói.

Gạo sau khi nấu chín được rải mỏng cho nguội. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo bà Huyền, gạo được chọn làm cơm rượu nếp là nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp cẩm. Sau đó sẽ ngâm trong nước từ 4-6 tiếng. Với gạo cơm nếp trắng thì đồ xôi hai lần còn gạo nếp cẩm nấu thành cơm vì hạt gạo cứng hơn.

Sau đó rải mỏng tất cả ra mâm, để nguội rồi giã men, rây men và ủ trong lá sen từ 2-3 ngày là được. Thành phẩm mỗi cân gạo sẽ làm được khoảng 1,5-1,7 kg cơm rượu nếp.

Gạo nếp cẩm cứng hơn nên nấu thành cơm cho hạt gạo mềm. Ảnh: Nguyễn Thúy

Tương tự, tại hộ gia đình của bà Đặng Thị Bảy những ngày này cũng thuê thêm 4-5 người làm ngày làm đêm như vo gạo, thổi xôi,… để kịp cung ứng ra thị trường.

Công đoạn vo gạo được làm tỉ mỉ. Ảnh: Nguyễn Thúy

“Cách làm rượu nếp thì ai cũng biết, nhưng để làm được rượu nếp ngon thì không phải ai cũng làm được, nếu không sượng thì cũng nát cay. Chính vì vậy dù thuê người nhưng phần vào men những người trong nhà vẫn đảm nhiệm”, bà Bảy nói.

Cơm rượu được ủ trong lá sen từ 2-3 ngày. Ảnh: Nguyễn Thúy

Cũng theo bà Bảy, năm nay gia đình bà nhận đặt khoảng vài tạ cơm rượu nếp, giá nếp cái là 50.000 – 70.000 đồng/kg, loại nếp cẩm thì đắt hơn khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg.

Giá cơm rượu từ 50.000 - 100.000 đồng/kg, tùy loại. Ảnh: Nguyễn Thúy

“Mức giá sẽ nhỉnh hơn các nơi khác là bởi rượu nhà tôi làm là hàng thật, thay vì trộn đường như các hàng bán đại trà. Để rượu ngọt, có người sẽ trộn đường vào. Cân lên là 1 kg rượu, nhưng thực chất phần cái chỉ được 6-7 lạng, còn lại là nước đường. Người mua cứ mua, tưởng rẻ mà hóa đắt”, bà Bảy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn