MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làng nghề nuôi rắn hổ mang Tứ Xá hiện chỉ còn khoảng 150 hộ còn đang bám trụ với nghề: Ảnh: Tô Công.

Làng tỉ phú vắng vẻ ngày cận Tết, chờ quay lại thời hoàng kim

Tô Công LDO | 17/01/2023 11:39
Làng nghề Tứ Xã (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) được nhiều người gọi là "làng tỉ phú" do ở đây có nhiều gia đình từng thu nhập tiền tỉ mỗi năm từ việc nuôi rắn.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tại làng nghề nuôi rắn hổ mang Tứ Xã, không khí tại các đường làng, ngõ xóm vẫn khá vắng vẻ, lác đác chỉ có vài công nhân đang thi công tuyến đường trục chính đi qua làng.

Làng nghề nuôi rắn hổ mang Tứ Xã được hình thành từ những năm 1993. Sau thời gian phát triển mạnh, đến năm 2007 chính thức được công nhận là làng nghề. Giai đoạn 2005 - 2010 là thời gian cực thịnh của làng nghề này, với hơn trăm tấn rắn thương phẩm xuất khẩu mỗi năm, giá trung bình thời điểm đó đã trên 700 ngàn đồng/con.

 Làng nghề nuôi rắn Tứ Xã từng tấp nập "kẻ mua - người bán", nay khá vắng vẻ. Ảnh: Anh Tâm.

Đến năm 2016, nhiều hộ dân tại làng nghề chuyển mô hình từ nuôi rắn hổ mang thương phẩm sang nuôi rắn hổ mang sinh sản do nhu cầu thị trường tăng mạnh. Tại thời điểm rực rỡ nhất, các hộ xuất khẩu cả trăm vạn trứng và rắn hổ mang con sang Trung Quốc.

Thậm chí, các thương lái từ Lạng Sơn, Móng Cái về ăn ngủ tại làng để tìm kiếm nguồn hàng. Giá trứng rắn hổ mang cao điểm nhất vào năm 2018 đã lên đến 80.000 đồng/quả.

Ông Bùi Văn Toàn - một trong những người đang nuôi nhiều rắn nhất tại làng nghề với khoảng 2000 cá thể - kể: "Năm 2017, gia đình tôi bán được khoảng 800 triệu đồng tiền bán trứng rắn, 300 triệu đồng tiền bán rắn thương phẩm".

 Nghề nuôi rắn hổ mang từng có thời điểm mang lại kinh tế rất cao cho người dân Tứ Xã. Ảnh: Tô Công.

Đến thăm trại nuôi rắn của ông Toàn ở thời điểm hiện tại, trong vào những căn phòng khá tối, dưới ánh đèn pin của ông Toàn, có thể nhìn thấy hàng trăm con rắn hổ mang bố mẹ, có cân nặng từ 2 đến 5kg đang trú ngụ dưới những hầm nhỏ.

Các hầm nuôi rắn ở đây được chia ô, che đậy bằng tấm thép lưới cẩn thận, việc đóng mở các hầm này khá dễ dàng đối với ông Toàn, người đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang.

 Dưới những căn hầm có cá thể rắn bố mẹ to lớn. Ảnh: Tô Công.

Theo ông Toàn, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hơn 3 năm qua, số hộ nuôi rắn tại làng nghề đã giảm từ hơn 500 hộ xuống còn khoảng 150 hộ. Nhiều người bỏ nghề nuôi rắn hổ mang đã chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khác hoặc đi làm thuê.

Cùng với đó, việc tìm kiếm thức ăn cho rắn cũng đang gặp khó khăn: "Trước đây chủ yếu nuôi rắn bằng cóc, nhưng bây giờ cóc ít, nuôi bằng trứng, gà vịt con nên phải đi khắp các trại ấp nở để thu mua, giá những loại thức ăn này gần đây tăng nên cũng kéo theo chi phí đầu vào cao hơn".

 Một trong các chuồng nuôi rắn hổ mang con. Ảnh: Tô Công.

Ông Nguyễn Hữu Thủy, Chủ tịch UBND xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, cho biết, nhiều năm nay, nghề nuôi rắn hổ mang đã mang lại thu nhập cao cho người dân, qua đó phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt cũng như đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo ông Thủy, từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19 cho đến năm nay, người dân nuôi rắn bị ảnh hưởng nặng nề, khi sản phẩm rắn thương phẩm và trứng rắn của làng nghề không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu nội địa hiện nay vẫn chưa cao. 

"Gần đây, khi Trung Quốc mở cửa khẩu trở lại, người nuôi rắn tại Tứ Xã rất mừng. Những ngày qua đã bắt đầu có một số thương lái về làng nghề để tìm mua rắn. Mong rằng thị trường sẽ hồi phục tích cực", ông Thủy nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn