MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lãnh đạo doanh nghiệp và khối ngoại đổ trăm tỉ đồng đỡ đáy cổ phiếu

Đức Mạnh LDO | 17/11/2022 15:21

Trong bối cảnh giá cổ phiếu trượt sâu xuống vùng đáy, các lãnh đạo doanh nghiệp đã mạnh tay xuống tiền đỡ đáy chứng khoán. Khối ngoại cũng liên tục giải ngân, trở thành cổ đông lớn tại hàng loạt công ty.

Cam kết không bán ra, liên tục mua gom đỡ đáy

Thông thường, trong bối cảnh cổ phiếu liên tục lao dốc, lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ trấn an cổ đông và tiến hành mua vào để đỡ giá chứng khoán. Điều này hàm ý phát đi thông điệp sẽ cam kết lâu dài với công ty, từ đó giúp cổ đông yên tâm nắm giữ cổ phần. 

Mới đây nhất, cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số đã mất hơn 36% sau nửa đầu tháng 11. Ban lãnh đạo DGW lập tức cam kết với nhà đầu tư sẽ không bao giờ bán cổ phiếu DGW. Tổng số lượng cổ phiếu các công ty đang nắm giữ là hơn 74,2 triệu, tương đương 45% vốn của DGW.

Về vấn đề ESOP, công ty dự kiến phát hành 4 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động theo danh sách. Digiworld nhấn mạnh lượng cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Thời gian hết hạn chế của đợt phát hành gần nhất là tháng 4.2023 nên sẽ không thể bán ra trong thời điểm hiện tại.

Ở một diễn biến khác, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) - vừa đăng ký mua vào 50 triệu cổ phiếu KBC để tăng tỉ lệ sở hữu. Tạm tính theo thị giá hiện tại của KBC, ông Đặng Thành Tâm dự chi khoảng 750 tỉ đồng để mua thành công số lượng cổ phiếu đã đăng ký.

Động thái mua gom của vị chủ tịch diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu KBC trượt sâu xuống vùng đáy 2 năm.

Tương tự, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang - đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu khi DGC đã "bốc hơi" 25% từ đầu tháng. Lãnh đạo CTCP Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu NKG. Ông Trình Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán PC1) - đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu PC1...

Lãnh đạo mạnh tay đỡ giá cổ phiếu là hành động tích cực nhằm củng cố niềm tin nơi nhà đầu tư. Ảnh: Shutterstock 

Khối ngoại cũng mạnh tay xuống tiền

Tính riêng trong nửa đầu tháng 11, khối ngoại đã mạnh tay mua ròng gần 6.800 tỉ đồng trên toàn thị trường. Tính chung từ đầu năm tới hết ngày 15.11, giá trị giao dịch ròng luỹ kế trong hơn 11 tháng của khối ngoại đã đảo chiều sang mua ròng gần 5.800 tỉ đồng.

Thống kê diễn biến giao dịch của khối ngoại trên HOSE. Ảnh chụp màn hình fireant.vn

Theo báo cáo, các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital đã mua thêm 19 triệu cổ phiếu KDH và trở lại làm cổ đông lớn với việc nắm giữ 7,64% vốn. Quỹ VOF Investment Limited thuộc VinaCapital quản lý cũng đã mua vào 10 triệu cổ phiếu KDH để nâng sở hữu từ 0% lên 1,41% vốn điều lệ.

Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital cũng vừa mua xong 300.000 cổ phiếu FRT, nâng tổng lượng cổ phiếu sở hữu lên 6,2 triệu, tương ứng tỉ lệ sở hữu 5,23%. Qua đây chính thức trở thành cổ đông lớn tại CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT.

Sau khi trở thành cổ đông lớn tại CTCP Vĩnh Hoàn hồi tháng 10 vừa qua, đến giữa tháng 11 này, Dragon Capital cũng tung ra hơn 21 tỉ đồng để mua thêm 282.000 cổ phiếu VHC, nâng tỉ lệ sở hữu lên trên 6%.

Theo Dragon Capital, nhiều rủi ro đã được phản ánh vào giá. Định giá thị trường đang ở vùng rất hấp dẫn khi về gần mức thấp nhất 10 năm. P/E hiện ở mức 10,7 lần cho 12 tháng gần nhất và 7,9 lần cho năm 2023.

Chuyên gia của Chứng khoán ACBS cho biết: "Mức định giá thấp so với lịch sử có thể đem lại cho các nhà đầu tư dài hạn cơ hội để tích lũy chứng khoán ở mức định giá hấp dẫn. Nhìn về dài hạn, ACBS tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển song song với nền kinh tế nói chung".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn