MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người bán hàng rong và các lao động tự do cũng cần được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Kh.V

Lao động tự do cũng cần được hỗ trợ bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19

Vũ Long LDO | 09/04/2020 15:19

Đại dịch COVID-19 hiện đang có ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm và thu nhập của nhóm lao động có việc làm và thu nhập bấp bênh như: Người giúp việc gia đình, bán hàng rong, buôn bán nhỏ không có giấy phép kinh doanh, lái xe ôm, xe taxi, bốc vác, giúp việc tại các cơ sở dịch vụ...

Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương

Để đồng hành với Chính phủ Việt Nam, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, Mnet và tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã tiến hành đánh giá nhanh các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 là những lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, đặc biệt là người lao động di cư.

Đánh giá nhanh của Mnet và tổ chức Oxfam được thực hiện trong nửa cuối tháng 3.2020, với sự tham gia của khoảng 2.000 người lao động tự do và lao động di cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cho thấy đại dịch COVID-19 hiện đang có ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm và thu nhập.

Đối tượng là lao động làm nghề thu gom rác, giúp việc gia đình, bán hàng rong, buôn bán nhỏ không có giấy phép kinh doanh, lái xe ôm, xe taxi, nghề bốc vác xe đẩy tại các chợ đầu mối và người giúp việc tại các cơ sở dịch vụ kinh doanh ngành dịch vụ.

Người lái xe “ôm“, xe taxi là đối tượng dễ bị tổn thương do COVID-19. Ảnh: Kh.V

Chị  Nguyễn Thị Thanh - thành viên CLB tự lực phường Phúc Xá (Hà Nội), cho biết:

“Từ khi có dịch, việc bán hàng ở các vỉa hè bị hạn chế và đến nay là dừng hẳn để phòng lây nhiễm bệnh. Tôi cũng hiểu đây là biện pháp hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mọi người.

Tuy nhiên, do chi tiêu của tôi và gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào việc bán hàng hàng ngày, bây giờ không đi bán hàng, không có ai thuê làm việc nên tôi đang phải cầm cự cho các chi tiêu ăn uống, sinh hoạt tối thiểu hàng ngày”.

Một số lớn người lái xe ôm, taxi trong tình trạng vay nợ để mua phương tiện kinh doanh hiện đang mất việc làm, mất khả năng trả nợ, nguy cơ rơi vào đói nghèo là rất cao.

Một số lao động di cư do không có việc làm đã kịp thời về quê, nhưng còn khoảng trên 50% lao động vẫn đang ở tại Hà Nội, nhưng không có việc làm và thu nhập. Trong khi đó, đa số họ vẫn phải chi trả các chi phí hàng tháng như nhà ở, điện nước, và không có sự hỗ trợ từ gia đình ở quê. Họ đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu. 

Giải pháp hỗ trợ nhóm lao động có thu nhập thấp

Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, đặc biệt là lao động di cư, không được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, do đa phần họ không có hợp đồng lao động; không có bảo hiểm xã hội, cơ hội việc làm.

Thu nhập của các nhóm này rất bấp bênh và thường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cú sốc.

Kết quả khảo sát nhanh ghi nhận hầu hết nhóm lao động này hiện nay bị giảm hoặc mất việc làm, mất và giảm sút nghiêm trọng thu nhập.

Người bán hàng rong cũng bị mất thu nhập do COVID-19. Ảnh: Kh.V
Theo bản đánh giá Mnet và tổ chức Oxfam, để không ai bị bỏ lại phía sau, ngoài việc cung cấp thông tin, kiến thức hướng dẫn cách thức bảo vệ khỏi các nguy cơ lây nhiễm bệnh dựa trên đặc thù môi trường làm việc của từng nhóm lao động tự do và lao động di cư, cơ quan quản lý nên có giải pháp để đảm bảo người lao động tự do, lao động di cư ở khu vực phi chính thức như đã nêu trên là nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp từ gói an sinh xã hội.

Nguồn ngân sách hỗ trợ cho các nhóm người lao động di cư bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nêu trên được tính toán và chi trả từ nguồn ngân sách địa phương, nơi người lao động di cư đang làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn