MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Việt Nam ở Nhật Bản mong mỏi đồng Yên tăng giá. Ảnh: Tuyết Lan.

Lao động Việt ở quê, mòn mỏi chờ đồng Yên tăng để quay lại Nhật Bản

Tuyết Lan LDO | 20/09/2023 18:59

Tỷ giá đồng Yên liên tục "nhảy múa" khiến lao động Việt Nam làm việc tại Nhật đứng ngồi không yên. Những lao động đã về quê cũng "mòn mỏi" hy vọng đồng Yên sớm tăng giá để quay lại Nhật Bản, tiếp tục làm việc.

“Mòn mỏi chờ đồng Yên tăng để quay lại Nhật…”

Chị Nguyễn Thị Liên (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã làm việc trong ngành điều dưỡng tại tỉnh Aichi, Nhật Bản từ năm 2021. Tuy nhiên, tỉ giá đồng Yên trên đà giảm đã khiến chị Liên phải tạm dừng công việc gắn bó vào tháng 2.2023 để trở về Việt Nam.

Mỗi tháng làm việc đều đặn, chị Liên có thu nhập 170.000 Yên/tháng, tương đương khoảng 35 triệu đồng/tháng. Từ khi tỉ giá đồng Yên sụt giảm, thu nhập của chị Liên vẫn vậy nhưng số tiền gửi về cho gia đình giảm đáng kể. Từ 26 triệu đồng/tháng, nay chị Liên chỉ gửi về được cho gia đình 20 triệu đồng/tháng.

"Thời điểm đồng Yên Nhật giảm sâu, tôi phải chi tiêu tiết kiệm để gom tiền, dành gửi về cho gia đình. Thời điểm đó, giá cả thực phẩm thiết yếu, tiền thuế đều tăng cao khiến cuộc sống những người lao động xuất khẩu Việt ở Nhật vô cùng chật vật” – chị Liên nói.

Chị Liên cho biết do tiền sinh hoạt ở Nhật cao, gửi tiền về cho gia đình không được bao nhiêu nên đã quyết định về Việt Nam làm ăn. Anh Tuấn - chồng chị Liên đang làm ngành cơ khí tại tỉnh Aichi cũng gặp tình trạng tương tự. Tình thế khó khăn, vợ chồng chị Liên đã quyết định về Việt Nam làm ăn chờ thời đồng Yên tăng để tiếp tục sang Nhật làm việc.

“Đầu tháng 9, hai vợ chồng theo dõi đồng Yên tăng giá nên rất phấn khởi. Hai vợ chồng mong mỏi tình hình tỷ giá đồng Yên phát triển theo hướng tích cực nhưng thực tế chỉ tăng không đáng kể. Đồng Yên tăng nhẹ không bao lâu rồi lại quay đầu giảm. Chỉ mong đồng Yên phục hồi để theo kế hoạch, đầu năm 2024, vợ chồng tôi quay lại Nhật Bản, tiếp tục làm việc” - anh Tuấn cho hay.

“Đằng đẵng” găm tiền chờ cơ hội gửi về quê

Dứt áo đi làm xa để lại chồng ở nhà chăm hai con nhỏ, chị Nguyễn Thị Hằng (Phủ Lý, Hà Nam) mang theo hy vọng kiếm được nhiều tiền để gửi về cho gia đình khi sang Nhật Bản làm việc. Chị Hằng hiện đang làm ngành đóng gói thực phẩm tại tỉnh Nagano, Nhật Bản. Tuy nhiên, đồng Yên giảm giá mạnh khiến cuộc sống, thu nhập của chị Hằng đảo lộn đáng kể. Đã gần 1 năm nay, chị Hằng không đổi tiền gửi về cho gia đình.

“Đồng Yên mất giá khiến số tiền tôi gửi về gia đình giảm đến 80 triệu đồng/năm. Đồng Yên rớt giá mạnh nên tôi đã giữ tiền trong tài khoản, chờ tỷ giá tăng lên mới đổi tiền gửi về cho gia đình. Tôi cũng như các lao động, thực tập sinh đang làm việc ở Nhật Bản, đều hy vọng việc đồng Yên mất giá chỉ là vấn đề tạm thời” - chị Hằng cho hay.

Theo chị Hằng, những người chị quen biết đang làm việc tại Nhật Bản cũng đang “găm” tiền chưa gửi về cho gia đình vì đồng Yên mất giá. Trừ những trường hợp quá khó khăn hoặc phải trả nợ mới “cắn răng” gửi tiền về quê.

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, sáng ngày 20.9, tỉ giá Yên Nhật quay đầu giảm đồng loạt ở hai chiều giao dịch tại hầu hết ngân hàng. Trong khi đó, tại thị trường chợ đen, tỉ giá mua - bán ghi nhận tăng, hiện đang ở mức 164,97 - 165,52 VND/JPY.

Theo các chuyên gia, yếu tố chính đằng sau sự yếu kém của đồng Yên vẫn không thay đổi, đó là khoảng cách lãi suất ngày càng lớn với Mỹ. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Chuyên gia Kichikawa cho rằng từ góc độ kinh tế vĩ mô thuần túy, các quan chức không buộc phải ngăn chặn sự suy yếu của đồng Yên khi đồng tiền này chưa vượt ngưỡng 150 JPY/USD.

Tuy nhiên, Tomasz Wieladek - nhà kinh tế trưởng châu Âu tại T Rowe Price - lại nhận định: “Với khả năng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản khi giá sản xuất và dịch vụ đang tăng đáng ngạc nhiên, tôi tin rằng sẽ có áp lực lớn hơn đối với BoJ trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn để chống lại sự mất giá của đồng Yên".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn