MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lão nông Đoàn Văn Ương (ở xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) sở hữu dàn máy móc tiền tỉ. Ảnh: Phan Tuấn

Lão nông sắm dàn máy móc tiền tỉ để trồng lúa

Phan Tuấn LDO | 29/12/2021 20:00

Đắk Lắk - Hơn 5 năm qua, một lão nông ở xã Buôn Triết, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) không còn phải dậy từ lúc gà gáy, "chân lấm tay bùn" để sản xuất lúa nước. Bởi từ đó đến nay, lão nông này đã mở hầu bao mua sắm dàn máy nông nghiệp tiền tỉ để giải phóng sức người, tiết kiệm chi phí sản suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chi 1,2 tỉ đồng mua máy móc thay sức người

Về huyện Lắk, hỏi thăm ông Đoàn Văn Ương (73 tuổi) ai cũng biết, bởi ông đã già nhưng vẫn đang canh tác 10ha lúa nước. Để làm được điều này, 5 năm trước, ông Ương đã "chịu chơi", bỏ ra hơn 1,2 tỉ đồng, mua nhiều máy móc hiện đại để trồng lúa.

Trên đường đến thăm nhà ông Ương, chúng tôi chứng kiến nhiều người đang tất bất thu hoạch mùa màng ở ngoài đồng ruộng. Thế nhưng, lão nông 73 tuổi này đang nhâm nhi ly cà phê ở nhà đợi khách đến chơi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Ương cho hay, mấy năm trước khi tuổi cao sức yếu, ông nhận thấy lao động thủ công không còn hiệu quả. Thế nên, ông đã tìm đến các cửa hàng, nhà máy sản xuất máy nông nghiệp để tìm hiểu về quy trình sản xuất tự động. 

Thấy tất cả các khâu từ làm đất, chăm sóc, thu hoạch... lúa đều có máy móc thay thế sức người nên tôi chẳng ngại ngần mở "hầu bao" mua sắm các thiết bị. Hiện nay, trong nhà ông đang sở hữu dàn máy gặt đập liên hoàn giá 450 triệu đồng, máy bay phun thuốc gần 600 triệu đồng, 2 cái máy cày làm đất mỗi cái 360 triệu đồng...

Với những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ông Đoàn Văn Ương đã được nhiều cấp ngành khen thưởng. Ảnh: Phan Tuấn

Hiệu quả kinh tế cao

"Mặc dù làm nông, với hơn 10ha đất nhưng gia đình tôi không có ai phải làm việc nặng nhọc, vất vả. Từ khi đầu tư tiền tỉ, gần 100% các khâu sản xuất lúa nước đều do máy móc làm việc, giải phóng hoàn toàn sức lao động của con người" - ông Ương chia sẻ.

Như khâu làm đất, 2 người trong gia đình ăn sáng, cà phê thoải mái rồi mới dần dà điều khiển 2 chiếc máy cày che mưa, che nắng ra đồng. Chỉ cần 2 ngày làm việc nhẹ nhàng, việc cày xới 10ha đất này sẽ bảo đảm hoàn tất. 

Đến khâu phun thuốc cũng vậy, trước đây, ông Ương thuê công phun thuốc giá 75.000 đồng/sào và gần 1 tuần lễ mới xong 10ha lúa. Nhưng nay, gia đình ông Ương đã có máy bay không người lái. Chỉ cần ngồi ở nhà định vị ruộng mình ở đâu thì thiết bị này sẽ bay tới phun trong khoảng thời gian 1h30' là xong hoàn thành công việc cho 10ha lúa.

Cũng theo ông Ương, ngày trước để thu hoạch 1ha lúa, gia đình ông Ương phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng với chiếc máy gặt đập liên hoàn chạy ro ro vài đường trong một giờ đồng hồ thì 1ha lúa đã được đóng đầy bao.

Lão nông 73 tuổi ở Đắk Lắk đã giành được nhiều giải thưởng về nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh, Trung ương. Ảnh: Phan Tuấn

Lúa gặt xong được tập kết tại một góc ruộng thuận lợi cho việc vận chuyển về nhà, kho xưởng. Nếu không muốn đưa lúa về nhà cất, người nông dân có thể bán cho thương lái ngay tại ruộng, đúng kiểu "tiền tươi, thóc thật". 

Nhìn chúng tôi "mắt tròn, mắt dẹt" nghe câu chuyện làm lúa không còn "chân lấm tay bùn", ông Ương tiếp tục hạch toán về tính hiệu quả. "Trước đây mỗi ha lúa, tôi tốn không khoảng 25 triệu đồng từ công làm đất, gieo sạ, bón phân, làm cỏ, thu hoạch, vận chuyển… Nhưng từ khi có máy móc thay sức người, gia đình tôi tiết kiệm mỗi ha được 15 triệu nhân công lao động.

“Đặc biệt, từ khi làm máy, năng suất cũng vượt trội hơn trước, đạt khoảng 10-13 tấn thóc (cao gấp đôi so với thủ công). Hiện nay, gia đình tôi đã xây dựng Hợp tác xã sản xuất lúa gạo Đồng Nhất. Những năm qua, do tạo được uy tín, thương hiệu nên gạo Đồng Nhất được bán ra với giá hơn 15.000 đồng/kg. Với 10ha lúa, nhưng năm nào gia đình tôi cũng có nguồn thu nhập tiền tỉ trong tay” - ông Ương phấn khởi.

Ông Bùi Mạnh Hải - Chủ tịch UBND xã Buôn Triết - cho hay, ông Ương là nông dân đầu tiên của xã mạnh dạn đưa máy móc vào thay thế sức người trong sản xuất. Từ đó tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động ở địa phương, nâng cao hiệu quả, thu nhập". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn