MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hãng hàng không Việt Nam vẫn chủ yếu vận chuyển hàng hóa trong bụng máy bay và chưa có hãng bay vận tải chuyên biệt. Ảnh: VNA

Lập hãng bay vận tải là phù hợp với quy hoạch của Chính phủ

Nhóm phóng viên LDO | 24/06/2021 09:37

Bên cạnh yêu cầu bức thiết về việc thành lập các Hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên biệt nhằm đáp ứng tiềm năng rất lớn về xuất khẩu nông thủy sản trong nước, việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải hàng hoá và hình thành mạng đường bay chở hàng riêng, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư phát triển cảng hàng không trung chuyển hàng hoá của khu vực còn sớm được Chính phủ định hướng, quy hoạch từ năm 2014.

Muốn giữ thị trường, phải tăng năng lực vận tải hàng không

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong các biện pháp nhằm kéo giảm chi phí dịch vụ logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, biện pháp phát triển vận tải hàng hóa bằng đường không và mở các tuyến bay chuyên chở hàng hóa quốc tế trực tiếp được đánh giá cao về tính khả thi.

Hướng giải pháp này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 7709 ngày 15.9.2020 của Văn Phòng Chính phủ gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc nghiên cứu, đánh giá việc “phải có một hãng hàng không (Cargo Airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”.

VLA cho hay, hiện nay Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn về xuất khẩu nông, thủy sản. Chỉ riêng trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam đạt gần 25,5 tỉ USD. Hơn nữa dù vận chuyển hàng hóa bằng đường không của Việt Nam chỉ chiếm một tỉ lệ khoảng 0,2% tổng khối lượng, nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước do hàng có giá trị cao. Cho đến thời điểm hiện nay, nông sản của Việt Nam dù có mặt tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên theo VLA, do tính chất đặc thù của nông sản là chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ nên việc vận chuyển bằng đường không là một giải pháp quan trọng nhằm giữ thị trường và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần IPP Air Cargo - ông Nguyễn Hạnh cho hay, trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao và thị phần vận chuyển hàng hóa đang do các công ty nước ngoài chiếm 80% thị phần, việc IPP Air Cargo đề xuất thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa cũng nhằm hướng đến mục tiêu lớn nhất là góp phần tăng giá trị cạnh tranh của các hãng hàng không hàng hóa của Việt Nam trên các đường bay quốc tế, giúp kết nối các cảng hàng không quốc tế trong nước để hoàn thiện mạng đường bay nội địa, mở rộng thị trường logistics và mang đến lợi ích chung cho tất cả các bên.

“Vì vậy, việc thành lập một hãng hàng không chuyên biệt về vận chuyển hàng hóa tại thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết” - ông Nguyễn Hạnh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần nhiều thời gian chuẩn bị, đầu tư

Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 318 năm 2014 cũng nhấn mạnh định hướng khẩn trương mở đường bay và tăng cường năng lực vận tải hành khách và hàng hoá trên các đường bay tầm xa đến Châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ La Tinh và Châu Phi.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải hàng hoá và hình thành mạng đường bay chở hàng riêng, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển cảng hàng không trung chuyển hàng hoá của khu vực tại Chu Lai và có cơ chế ưu đãi để thu hút các hãng hàng không mở tuyến bay chở hàng đến cảng này.

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, đầu tư kinh doanh vận tải hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi chi phí vốn rất lớn, cạnh tranh mang tính toàn cầu, cần có chiến lược dài hạn trong khi tỉ suất lợi nhuận thấp.

Trong cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng cho biết, do kinh doanh hàng không đòi hỏi chi phí vốn lớn, cạnh tranh mang tính toàn cầu và cần có chiến lược dài hạn nên việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào ngành hàng không, kinh doanh vận chuyển hàng không được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi.

Cũng theo TS Bùi Doãn Nề, từ lúc đề xuất cho đến khi chuẩn bị thành lập một doanh nghiệp vận tải hàng không cần phải hoàn thiện rất nhiều công việc và mất rất nhiều thời gian chuẩn bị, kể cả khi chưa được Chính phủ chấp nhận. Thực tế theo ông Nguyễn Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần IPP Air Cargo, với tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng với đội bay 5 chiếc đầu tiên đi vào khai thác trong năm đầu hoạt động, IPP Air Cargo cũng chỉ có thể bắt đầu khai thác trong quý I/2022 nếu toàn bộ các thủ tục cấp phép hoạt động hàng không được các bộ ngành cho phép, hoàn thiện trong quý III - IV/2021.

Cần làm rõ vận tải hàng hóa với hành khách

Điều bất ngờ là đề xuất thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa của IPP Air Cargo bắt đầu được gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tháng 4.2021 lại đang “vướng” một văn bản của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) từ tháng 5.2020.

Cụ thể theo Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT vào thời điểm tháng 5.2020 có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc “thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)”. Sau đó, Văn phòng Chính phủ vào tháng 7.2020 có văn bản 5833 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của Bộ GTVT và yêu cầu bộ này chịu trách nhiệm về các kiến nghị của mình trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, trong văn bản 4620 vào tháng 5.2020, Bộ GTVT khi đề xuất việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022) chỉ đề cập đến sự sụt giảm hành khách của các hãng hàng không vận chuyển hành khách, chứ không hề đề cập đến các hãng chuyên biệt vận chuyển hàng hóa.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần IPP Air Cargo cũng cho rằng, với các văn bản trên, việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa của IPP Air Cargo là phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ với Bộ GTVT trong việc nghiên cứu, đánh giá ý kiến phải có một hãng hàng không với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt tại tại Công văn 7709. Đồng thời phù hợp với định hướng phát triển đội bay chuyên chở hàng hóa tại Quyết định 318 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2014.

“Đề án của công ty cũng không đi ngược lại chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Văn bản 5833 nêu trên” - ông Nguyễn Hạnh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn