MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gen Z có thể sẽ phải đối mặt với tuổi nghỉ hưu khó khăn hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây. Ảnh: Ngọc Chi

Lập kế hoạch nghỉ hưu với người trẻ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết

Anh Kiệt LDO | 03/03/2024 11:00

Việc chuẩn bị nghỉ hưu cũng giống như trồng cây, muốn được hưởng quả ngọt và bóng mát, cần thời gian. Để tuổi hưu an nhàn sung túc, gen Z nên có kế hoạch và sự chuẩn bị ngay từ sớm, biết tích lũy đầu tư đa kênh hơn thế hệ trước.

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu Uyên - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT - cho biết, số người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm.

Cụ thể, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội VN, nếu như năm 1996 có 217 người đóng bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng lương hưu, thì đến 2010 chỉ có 10,7 người.

Quỹ hưu trí tiềm ẩn nguy cơ không thể bảo đảm chi trả trong tương lai khi số người đóng vào quỹ lương hưu ngày một ít đi, trong khi số người hưởng ngày một nhiều lên và thời gian hưởng dài hơn do tuổi thọ tăng lên đáng kể.

Thế hệ 5X, 6X (hay còn được gọi là thế hệ Baby Boommer) là thế hệ bùng nổ về dân số. Một gia đình thời đó thường có 5 - 7, thậm chí có gia đình có hơn 10 người con. Đặc điểm sinh đẻ nhiều vẫn được duy trì khi sinh đến thế hệ 7X. Tuy nhiên, từ thế hệ 7X trở đi, việc sinh con ít đã trở nên phổ biến, mỗi gia đình thường chỉ có 2 con.

"Như vậy, gánh nặng duy trì quỹ hưu trí đang ngày một đè nặng lên vai của các thế hệ sau, trong đó có gen Z. Đồng thời mức tăng lương hưu đang không đuổi kịp chi phí sống" - bà Uyên đánh giá.

Theo đó, bà Uyên cho biết lương hưu được điều chỉnh theo lạm phát nhưng dường như chi phí thực tế tăng nhanh hơn mức tăng tiền lương. Trong khi đó, người cao tuổi khi về hưu ngoài như cầu thiết yếu như ăn ở đi lại thì còn chi phí thuốc men, chữa bệnh phát sinh cao hơn. Nếu chỉ với mức lương 3 - 7 triệu đồng mà không có nguồn thu nhập nào khác, người cao tuổi khó có thể đảm bảo cuộc sống khi về già.

"Điều đáng lưu tâm là Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỉ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm trên 10% tổng dân số từ năm 2011 và là một trong 5 nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Nếu không có sự chuẩn bị cho tuổi hưu, gen Z có lẽ sẽ phải đối mặt với tuổi hưu khó khăn hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây" - bà Uyên nhấn mạnh.

Vị chuyên gia dẫn câu nói “Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 20 năm trước, thời điểm tốt thứ hai chính là ngày hôm nay”. Việc chuẩn bị hưu trí cũng giống như trồng cây, muốn được hưởng quả ngọt và bóng mát cần thời gian. Để tuổi hưu an nhàn sung túc, bà Uyên cho rằng gen Z nên có kế hoạch và sự chuẩn bị ngay từ sớm, biết tích lũy đầu tư đa kênh hơn thế hệ trước. Bao gồm:

Tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu được điều chỉnh theo lạm phát, đồng thời để được hưởng mức bảo hiểm y tế 95% khi về hưu.

Đóng bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo có kế hoạch bảo vệ tài chính và dòng tiền hưu trí nhờ cấu phần đầu tư của các dòng sản phẩm liên kết chung hoặc liên kết đơn vị.

Tích lũy đầu tư qua quỹ hưu trí của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp hoặc tự tích lũy đầu tư qua các kênh tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, vàng...

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT. Chuỗi video được phát sóng vào 19h thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn