MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời tại họp báo. Ảnh T.Vương

Lập quỹ bình ổn giá thép không là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương

Vương Trần LDO | 03/06/2021 21:09

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, đề xuất lập quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.

Chiều tối nay (3.6), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5.2021.

Tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi về việc Bộ Công Thương từng đề xuất lập quỹ bình ổn giá thép. “Chuyên gia cho rằng lập quỹ bình ổn là phi thị trường, Bộ Công Thương ý kiến gì về vấn đề này như thế nào”, câu nỏi nêu.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Ngày 15.5 và 8.5.2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến yêu cầu các bộ, ngành và trong đó có Bộ Công Thương báo cáo tình hình nhập khẩu và tiêu thụ thép cũng như đề xuất kiến nghị các biện pháp kiểm soát và làm giảm tác động của tăng giá thép ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Về việc này, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh thép, hiệp hội thép... để nắm bắt tình hình và nghe các đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, ý kiến thành lập quỹ bình ổn thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, ngày 20.5, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo chính thức gửi lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan có liên quan đánh giá về tình hình cung cầu thép, đánh giá giá thép trên khu vực và ở Việt Nam. Và quan trọng nhất đó là đề xuất kiến nghị để có thể có tác động tích cực tới sự gia tăng của giá thép để giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

This browser does not support the video element.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí. Thực hiện: Văn Thắng

Trước đó như Lao Động đã thông tin, những ngày qua, giá thép liên tục có nhiều biến động. Có những doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết, có tuần nhận được 2 lần điều chỉnh tăng giá thép.

Thời gian này, giá thép tăng đột biến, khiến các doanh nghiệp xây dựng “méo mặt”. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá thép phi 6 Việt Mỹ phục vụ cho công trình xây thô chỉ 3,5 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 4 triệu đồng/m2. Nhiều doanh nghiệp cho biết, thời điểm này, nhiều nhà thầu không dám ký hợp đồng mới. Trong khi những hợp đồng cũ đã ký thì lỗ nặng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phải bỏ thầu, bởi nếu cố bám công trình trong thời điểm giá thép phi mã như vậy thì chỉ có lỗ, thậm chí lâm cảnh vào phá sản.

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành Thép và đầy đủ các cục, vụ của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải đẩy mạnh phát triển ngành Thép theo hướng “đi tắt đón đầu”, ứng dụng những công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu trong xây dựng, vừa đáp ứng nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo…

Ông Diên cũng đưa ra 7 giải pháp xây dựng thương hiệu thép Việt Nam xứng tầm với quy mô. Cụ thể, tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành Thép, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng đó, tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh.

Trước năm 2012, thép là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo Luật Giá nhưng từ khi Luật Giá 2012 được ban hành, một loạt mặt hàng như ximăng, sắt, thép... đã được đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Bởi vậy theo các chuyên gia, ý tưởng đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép là không khả thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn