MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngày đầu Leflair hoạt động tại Việt Nam với việc chuyên bán hàng hiệu. Ảnh chụp màn hình năm 2017.

Leflair – “nạn nhân” mới nhất của “cuộc chiến đốt tiền”

Thế Lâm LDO | 07/02/2020 18:18

Sàn thương mại điện tử mới nhất chính thức tuyên bố ngừng hoạt động tại Việt Nam là Leflair – một trang thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu và flash sale (bán hàng giảm giá theo đợt). Chia sẻ về lí do tạm ngừng kinh doanh tại Việt Nam, đại diện Leflair cho biết do “dưới áp lực về nguồn vốn hữu hạn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành”.

Từng tự tin lách vào thị trường ngách…

Năm 2017, trong một cuộc họp báo, đồng sáng lập Lefair là ông Pierre-Antoine thể hiện sự tự tin vào mô hình kinh doanh thương mại điện tử của Leflair bằng sự khác biệt. Đó là bán hàng hiệu, một phân khúc thị trường còn thiếu vắng trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo khảo sát, thị trường bán hàng online cao cấp đang có nhiều tiềm năng tại Việt Nam khi người Việt yêu thích hàng hiệu xếp thứ ba khu vực Châu Á chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Cũng vào thời điểm đó, Pierre-Antoine lí giải nguyên nhân nhiều sàn thương mại điện tử phải đóng cửa tại Việt Nam trước đó vì bán những mặt hàng gần giống nhau, không có sự khác biệt và cùng một tập khách hàng, vì vậy phải cạnh tranh căng thẳng với nhau về giá cả.

Leflair tách khỏi “cuộc chiến” khốc liệt ấy và chuyên về đồ hiệu để định hình một hướng đi lâu dài và cũng tránh sa lầy  trong bối cảnh Việt Nam đang là một quốc gia chuyển đổi nhanh từ thu nhập thấp (low-income) sang thu nhập trung bình (middle-income), tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, dự báo đạt 33 triệu người vào năm 2020, hệ thống phân phối tại cửa hàng đối với các sản phẩm hàng hiệu ở các thành phố loại 2, 3 còn thiếu vắng.

… nhưng rồi cũng phải dừng “cuộc chơi”

Leflair đã có khoảng 4 năm kinh doanh tại thị trường Việt Nam tính tới thời điểm chính thức công bố dừng hoạt động. Trong khoảng thời gian trên, Lefair bán ra tổng cộng cho hơn  120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hàng chục triệu USD, giá trị trung bình trên một đơn hàng (Average Order Value – AOV) cao nhất thị trường thương mại điện tử Việt Nam, website Lefair mỗi tháng có khoảng 1,6 triệu lượt truy cập, tổng vốn đầu tư gọi được đạt 12 triệu USD…

Sau khi tuyên bố ngừng hoạt động tại Việt Nam từ ngày 5.2, website Leflair vẫn còn mở bán hàng nhập khẩu (chụp màn hình vào lúc 15h10 ngày 7.2.2020).

Tuy nhiên, con số 12 triệu USD quả là quá nhỏ bé so với những khoản vốn mà các “ông lớn” được mệnh danh là “big four” tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam nhận được. Đơn cử Lazada được Alibaba đổ vào hàng tỉ USD; Tiki, Sendo, Shopee đều nhận được từ các “ông lớn” nước ngoài từ trung Quốc, Nhật Bản, Singapore hàng trăm triệu USD.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Khoa Hồng Thành – Phó giám đốc Công ty truyền thông iSobar – cho rằng, với thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt trong nhóm “Big Four”, các nhà đầu tư sẽ phải suy xét rất kĩ về việc có quyết định đầu tư vào các sàn nhỏ hay không. Bối cảnh này có thể là một trong những nguyên nhân khiến Leflair khó khăn hơn trong việc gọi vốn.

Khó gọi được vốn, đó chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các doanh nghiệp start-up, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử vốn được gọi là “cuộc chiến đốt tiền”, phải ngừng cuộc chơi.

Còn nhớ, trang thương mại điện tử Vuivui.com của Thế Giới Di Động cũng đã phải tuyên bố đóng cửa vào thời điểm cuối tháng 11.2018 khi hoạt động chỉ được hơn một năm. Vuivui.com khi mới ra đời tuyên bố rằng “không làm thương mại điện tử theo kiểu đốt tiền”. Tuy nhiên sau đó, chính Vuivui.com không chịu nổi nhiệt từ “cuộc chiến đốt tiền” của nhóm “Big Four” nên cuối cùng buộc phải ngừng hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn