MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lệnh bán sàn chồng chất, 200 triệu cổ phiếu nhóm FLC vắng bên mua

Đức Mạnh LDO | 30/03/2022 10:50
Tính đến 10h sáng nay (30.3), tổng cộng 6 mã thuộc "hệ sinh thái FLC" ghi nhận tới hơn 200 triệu cổ phiếu kê bán sàn. Những ngân hàng niêm yết cho FLC vay nợ cũng chịu rung lắc mạnh mẽ.

Trong những giây đầu tiên mở cửa thị trường, cổ phiếu "họ nhà FLC" đã bị chất bán sàn la liệt. Tính đến 10h sáng nay (30.3), mã FLC dư bán tới hơn 101 triệu cổ phiếu. Tiếp đến là ROS ngang ngửa với 92 triệu mã kê bán sàn. AMD, ART, KLF, HAI cũng  trắng bên mua.

Tuy nhiên, khác với đợt đầu năm nay, lần này vẫn xuất hiện lệnh khớp đối ứng với bên bán. Số lượng không đáng kể nhưng chứng tỏ vẫn có bộ nhận nhà đầu thư ham cổ phiếu nóng.

Sắc xanh biển bao phủ toàn bộ nhóm cổ phiếu “họ FLC“. Ảnh chụp màn hình 

Trước đó, vào hôm qua (29.3), cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10.1.2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Dưới tác động tiêu cực của tin tức về Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, những ngân hàng niêm yết cho FLC vay nợ cũng chìm trong sắc đỏ. Là chủ nợ lớn nhất của FLC, cổ phiếu STB hôm nay diễn biến đầy giằng co. Mở đầu phiên giảm tới hơn 4% nhưng lực cầu bắt đáy cứu STB trở lại sắc xanh với 0,46%.

Diễn biến tương tự khi BID cũng có một cây nến khá dài. Tính đến 10h sáng, mã này vẫn tăng tốt 1,53%. Riêng OCB chịu nhịp điều chỉnh khi mất 0,58%.

Theo thông tin công bố, BIDV hiện cho FLC vay hơn 1.747 tỉ đồng, OCB cho vay 1.392 tỉ, NCB cho vay 634 tỉ và Agribank cho vay ít nhất với 169 tỉ. Đáng chú ý, khoản vay tại NCB đang được đảm bảo bởi 60 triệu cổ phần BAV.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh, không nên hoảng loạn. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.

Hôm nay, Tổng cục Thống kê đã công bố chính thức CPI tháng 3 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Quý I, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Trên thế giới cũng đang lan tỏa thông tin tích cực. Các nhà đàm phán Nga nói M átxcơva sẽ "giảm mạnh" hoạt động quân sự ở miền bắc Ukraina sau cuộc đàm phán "có ý nghĩa" với Kiev ở Thổ Nhĩ Kỳ.

"Các số liệu về kinh tế vĩ mô vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về nội tại thị trường, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tích cực, bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ khác như dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh…", ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn