MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chị em phụ nữ có thu nhập ổn định từ nghề đan đát. Ảnh: Phương Anh

Liên kết, đa dạng sản phẩm để vực dậy làng nghề trăm năm ở Sóc Trăng

Phương Anh LDO | 07/08/2023 14:20

Làng nghề đan đát Phú Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) có khoảng trăm năm. Trước đây, bà con phải vận chuyển ra trung tâm thành phố Sóc Trăng hay đi bán dạo ở các địa phương lân cận nên đôi khi thu nhập bấp bênh. 2 năm trở lại đây, người làm nghề ai cũng phấn khởi, vui mừng vì sản phẩm được bao tiêu và còn được xuất khẩu.

Thu nhập ổn định từ nghề đan đát truyền thống

Bà Lâm Thị Phên ở ấp Phước Quới có thâm niên theo nghề đan đát trên 50 năm với các loại như cần xé, rổ, nia,... Mỗi tháng, bà đan khoảng 25 cặp, bán với giá 150.000 đồng/cặp. Sau khi trừ chi phí, bà nhận về khoản thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.

Bà Phên cho biết: “Trước đây, mỗi khi đan cần xé xong phải thuê xe chở ra thành phố Sóc Trăng hoặc các huyện lân cận để bán, vừa tốn chi phí, vừa dễ hao hụt nếu bị đổ ngã.

Thêm vào đó, nếu đi bán dạo thì mỗi ngày bán chỉ tầm được vài cái, số còn lại phải bán dần đến khi nào hết mới đan tiếp. 2 năm trở lại đây, địa phương thành lập Hợp tác xã đan đát và liên kết doanh nghiệp về đặt kho tại xã để thu mua. Tôi và bà con trong xóm giờ đan theo đơn đặt hàng. Từ đó, mình yên tâm làm nghề không còn sợ bấp bênh như trước nữa”.

Bà Lâm Thị Phên (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) bên những sản phẩm cần xé. Ảnh: Phương Anh

Giống như bà Phên, hộ chị Trần Thị Phiên cũng có thu nhập ổn định từ nghề đan đát. Chị cũng đan cần xé và còn được doanh nghiệp hướng dẫn đan cần xé mini (đường kính 10 cm), rổ, nia thu nhỏ. Mỗi ngày, chị đan được khoảng 6 cái cần xé nhỏ, trừ chi phí tre trúc thu nhập trên 100.000 đồng.

Chị Phiên phấn khởi cho biết: “Có lúc gia đình cũng muốn bỏ nghề vì phải cạnh tranh với đồ nhựa. Nhưng từ khi được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu rồi làm sản phẩm mini bán cho khách du lịch mà nguồn thu nhập dần ổn định.

Hiện cần xé có kích thước từ 40 - 50cm được thu mua với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/cặp; các loại sản phẩm thu nhỏ cũng có giá từ 30.000 đồng/cái. Với những chị em phụ nữ hay những người lớn tuổi tại phum sóc thì đây là một công việc khá phù hợp khi không tốn nhiều sức lao động, lại có thể chủ động về mặt thời gian, vừa chăm sóc con cháu lại kiếm thêm thu nhập phụ cho gia đình”.

Nhiều chị em phụ nữ có thu nhập ổn định từ nghề đan đát. Ảnh: Phương Anh

Vươn xa sản phẩm làng nghề

Là nghề truyền thống, biết bao thế hệ người dân Phú Tân đã gắn bó với công việc đan đát từ cây tre, cây trúc. Trước đây, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, việc vận chuyển cũng gặp khó khăn. Các sản phẩm làm ra được bà con bỏ mối cho cơ sở thu mua tại trung tâm thành phố Sóc Trăng hoặc các huyện, các tỉnh lân cận, chi phí bỏ ra nhiều mà lời thì ít.

Mặc khác, sản phẩm từ làng nghề phải cạnh tranh với các loại đồ nhựa vừa bền dẻo, giá thành phải chăng nên nhiều hộ dân đã bỏ nghề chuyển sang làm những công việc khác.

Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ của địa phương, bà con làng nghề đã liên kết lại với nhau hình thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã với quy mô bài bản và hiệu quả hơn.

Chuyện làm ra sản phẩm không còn phải mất công, tốn kém vận chuyển như trước đây để bán nữa mà nay các Hợp tác xã cung cấp nguyên liệu và thu mua bao tiêu sản phẩm.

Sản phẩm cũng mở rộng từ đồ dùng sinh hoạt, trang trí đến nhiều mặt hàng thu nhỏ được bày bán tại các điểm du lịch, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng của du khách. Sản phẩm càng nhỏ thì giá trị càng cao vì phải đan rất tỉ mỉ, công phu, tinh xảo. Sản phẩm làng nghề giờ không còn quẩn quanh chợ quê mà đã có mặt ở nhiều vùng miền trong cả nước và còn được xuất khẩu.

Những cần xé với kích thước thu nhỏ được bà con làng nghề đan. Ảnh: Phương Anh

Anh Võ Minh Giàu, Hợp tác xã mây tre đan Đất Phương Nam - đơn vị đang thu mua và bao tiêu sản phẩm cho bà con làng nghề - cho biết: "Chúng tôi chưa có điều kiện xuất khẩu chính ngạch, mà làm gia công cho một số công ty để họ xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Thái Lan. Còn trong nước thì bán ở Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngoài sản phẩm du lịch, chúng tôi còn làm những sản phẩm trang trí nội thất gia đình được làm thủ công bằng tre, trúc”.

Sản phẩm được xử lý chống mối mọt trước khi giao cho công ty xuất khẩu. Ảnh: Phương Anh

Bà Dương Thị Trang - Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) - thông tin: “Ngoài việc vận động các hộ thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp về tiêu thụ sản phẩm, địa phương còn xây dựng đề án phát triển du lịch gắn với quảng bá, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa làng nghề; Xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm đặc trưng ở các điểm du lịch để du khách có thể ngắm nhìn và mua về làm kỉ niệm”.

Những sản phẩm được trưng bày tại HTX mây tre đan Đất Phương Nam (Phú Tân, Châu Thành, Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn