MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 3 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu xuất hàng thô sang châu Âu, nhường sân cho doanh nghiệp FDI. Ảnh: Cường Ngô

Liên kết để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Cường Ngô LDO | 16/10/2023 06:24

Sau 3 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu xuất hàng thô sang châu Âu, nhường sân cho doanh nghiệp FDI. Đây là một trong những hạn chế được Chính phủ chỉ ra. Vậy cơ hội nào cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng của thế giới?

Doanh nghiệp FDI vẫn áp đảo khi xuất hàng sang EU

EVFTA được ví như "đường cao tốc" nối Việt Nam với EU, thị trường quy mô GDP 15.000 tỉ USD. Theo báo cáo về thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) của Chính phủ vừa gửi Quốc hội, nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa tận dụng thời cơ, ưu đãi của hiệp định này đem lại là do xung đột địa chính trị kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới đơn hàng, khả năng tiếp cận thị trường EVFTA của doanh nghiệp Việt.

Trao đổi với Lao Động, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - cho biết, mặc dù Hiệp định EVFTA đã tạo ra rất nhiều cú hích cho doanh nghiệp Việt trong thời gian qua, tuy nhiên, thuận lợi lớn thì cạnh tranh cũng nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải thay đổi về quản lý, tập trung đầu tư chế biến sâu.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), - phải nâng tầm doanh nghiệp Việt, phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng cường hợp tác kinh doanh, liên kết trong chuỗi giá trị.

Hiện nay việc hợp tác kinh doanh liên kết với doanh nghiệp Việt ít hơn. Do vậy, bài toán đặt ra là phải nâng tầm doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt để chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng của thế giới.

Để làm được điều này phải nâng cấp ngành công nghiệp hỗ trợ và thông qua các liên kết hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp Việt; giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI.

Gần đây, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển khá tốt, nhưng ở khía cạnh số lượng, còn chất lượng chưa cao. Doanh nghiệp Việt mới chỉ tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu ở phân khúc công nghệ trung bình và thấp, chưa có phân khúc công nghệ cao.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, phải đầu tư về công nghệ, đầu tư về chất xám, đầu tư vào con người để chúng ta có thể hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng.

5 mấu chốt cho hàng Việt thâm nhập sâu vào thị trường EU

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, có 5 mấu chốt để sản phẩm của doanh nghiệp Việt hiện diện sâu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Thứ nhất, tư duy bao giờ cũng là yếu tố tối quan trọng đầu tiên. Phải xác định làm với EU là làm chuẩn, bài bản, phải cùng một tư duy với họ.

Thứ hai, cần tương thích dần về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Chúng ta thấy những thương hiệu như "Made in EU" là bảo chứng rất rõ về chất lượng sản phẩm. Nếu muốn cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của doanh nghiệp FDI, rõ ràng trình độ quản trị, trình độ kỹ thuật của chúng ta phải tăng lên.

Thứ ba, phải rất quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, truy xuất xuất xứ. Sắp tới những quy định của EU như đạo luật về chuỗi cung ứng sẽ được áp dụng cho nhà nhập khẩu EU.

Thứ tư, cần quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Vấn đề sở hữu trí tuệ cũng là một điểm mạnh trong Hiệp định EVFTA, bởi quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA cao hơn Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO. Nếu chúng ta làm được điều này, thì các doanh nghiệp EU sẽ tin tưởng để hợp tác với chúng ta.

Cuối cùng là phải quan tâm đến lao động, môi trường và phát triển bền vững.

"Đây là điều cực kỳ quan trọng, bởi Hiệp định EVFTA có một chương riêng về phát triển bền vững" - ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn