MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã vận hành được 8 năm. Ảnh: Trần Tuấn

LILAMA - Nhiệt điện Vũng Áng 1: Vì sao khó dứt điểm món nợ 1.400 tỉ đồng?

Đại Lâm LDO | 03/08/2023 06:30

Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) vừa có văn bản gửi cấp có thẩm quyền liên quan đến món nợ 1.400 tỉ đồng sau 8 năm chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng tới 12.000 lao động của doanh nghiệp này.

Hết thời gian bảo hành, nợ chưa trả xong

Ngày 18.7.2023, Tổng Giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn ký văn bản khẩn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tổ chức họp với các bên liên quan trong thời gian sớm nhất nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại các chi phí phát sinh chưa lường hết trong quá trình lắp đặt và xây dựng hợp đồng EPC dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh).

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có quy mô 1.200MW (2 tổ máy 600MW) từng được Thủ tướng Chính phủ giao LILAMA làm chủ đầu tư với mong muốn phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước. Tháng 12.2006, Hội đồng Quản trị của LILAMA đã phê duyệt Dự án với tổng mức đầu tư là 19.996 tỉ đồng, tương đương 1,249 tỉ USD khi đó.

Tuy nhiên, do khó khăn về thu xếp vốn, nên LILAMA và PVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao PVN làm chủ đầu tư và giao các doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm.

Tháng 4.2009, PVN phê duyệt kết quả chỉ định thầu, ký thỏa thuận hợp đồng với LILAMA - Tổng thầu EPC với tổng giá trị hợp đồng trước thuế là 1,17 tỉ USD theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói.

Tháng 12.2009, PVN đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 1 của Dự án với giá trị 29.509,7 tỉ đồng, tương đương 1,595 tỉ USD.

LILAMA cũng đã ký hợp đồng thầu phụ với 3 đơn vị trong nước là Tổng Công ty Sông Hồng, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam cho toàn bộ các hạng mục xây dựng của Dự án, với tổng giá trị 3.198 tỉ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, các đơn vị đã huy động tối đa nguồn lực để triển khai, đảm bảo đáp ứng các mốc tiến độ ban đầu của dự án. Sau hơn 6 năm thi công, LILAMA đã hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, bàn giao nhà máy cho PVN vận hành phát điện vào tháng 5.2015.

Trong quá trình thực hiện dự án, giai đoạn 2010-2013, nền kinh tế trong và ngoài nước biến động lớn, như đơn giá nhân công tăng ít nhất 1,5 lần, giá nhiên liệu như than tăng hơn 2 lần, dầu FO tăng 2,3 lần... khiến chi phí phát sinh do tăng giá vật liệu, nhiên liệu trong quá trình xây dựng.

Điều này dẫn đến số tiền PVN nợ LILAMA tại dự án khoảng 35,5 triệu USD và hơn 590 tỉ đồng, tương đương 1.400 tỉ đồng.

Nhiều văn bản qua lại - chưa biết khi nào dứt điểm

Khi Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi vào vận hành, chủ đầu tư PVN hoàn thiện thủ tục để phê duyệt dự toán chi phí phát sinh chưa lường hết và đàm phán ký kết phụ lục Hợp đồng EPC, thì Kiểm toán Nhà nước đã có ý kiến tại Văn bản 395/KTNN-TH ngày 5.9.2016.

Theo đó, “phát sinh chưa lường hết phần lắp đặt và các hạng mục xây dựng còn lại chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt” và yêu cầu “Petrovietnam phê duyệt dự toán phát sinh khối lượng chưa lường hết theo quy định của Hợp đồng EPC và các quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh Hợp đồng EPC”.

Sau khi nhận được văn bản này, tháng 2.2017, PVN báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận: “Hội đồng Thành viên Petrovietnam căn cứ quy định của Hợp đồng EPC đã ký và quy định của pháp luật để giải quyết và tự chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, PVN cho rằng, theo quy định của pháp luật và quy định của Hợp đồng EPC thì việc điều chỉnh giá Hợp đồng EPC trọn gói vượt thẩm quyền của PVN, nên lại tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3.2017 và tháng 8.2017.

Tháng 5.2022, PVN lại có báo cáo kiến nghị Chính phủ chấp thuận và giao cho PVN phê duyệt chi phí phát sinh chưa lường hết Hợp đồng EPC do các nhà thầu trong nước đã thực hiện tại Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 theo nguyên tắc/phương pháp xác định đã được các đơn vị tư vấn lập, thẩm tra, PVN rà soát và Bộ Công Thương thẩm định, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Trong văn bản gửi các cấp có thẩm quyền ngày 18.7.2023 vừa qua, LILAMA dẫn văn bản số 88 ngày 5.1.2023, Phó Thủ tướng có chỉ đạo: “Đối với việc điều chỉnh hợp đồng EPC là thẩm quyền hai bên chủ thể hợp đồng, hai bên tự chịu trách nhiệm đàm phán, không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”.

Thế nhưng, đến nay việc điều chỉnh hợp đồng EPC chưa thực hiện được do có ý kiến từ Kiểm toán Nhà nước nêu tại Văn bản 395/KTNN-TH ngày 5.9.2016.

Theo LILAMA, việc không được thanh toán khoản nợ kéo dài trong 8 năm khiến doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính, lâm vào nguy cơ phá sản, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của 12.000 cán bộ công nhân viên LILAMA.

Bên cạnh đó, các nhà thầu chính của dự án bao gồm Tổng Công ty CP Xây dựng Sông Hồng, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí cũng lâm vào tình trạng hết sức khó khăn - văn bản của LILAMA nêu.

Theo báo cáo tài chính mới nhất (công bố ngày 31.7.2023), vốn điều lệ của LILAMA chỉ còn 797,26 tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã sản xuất 2,1 tỉ kWh điện, đạt doanh thu 4.197 tỉ đồng. Mục tiêu của nhà máy cả năm 2023 là sản xuất 6,4 tỉ kWh điện, doanh thu đạt khoảng 12.800 tỉ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước 205 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn