MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những giải pháp tổng thể từ phía cơ quan quản lý vẫn là chìa khóa nhằm tháo gỡ khó khăn với thị trường trái phiếu. Ảnh: Đức Mạnh

Lộ diện 3 ông lớn bất động sản đối mặt áp lực trái phiếu cao nhất 2023

Đức Mạnh LDO | 15/02/2023 12:11

Trong năm 2023, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỉ đồng, tăng 76,0% so với cùng kỳ.

Hơn 100 nghìn tỉ đồng trái phiếu bất động sản sắp đáo hạn

Thống kê từ nhóm phân tích của Chứng khoán VNDirect cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý I/2023 ước tính giảm 40,3% so với quý IV/2022, tương ứng đạt 30.655 tỉ đồng, tăng 246,7% so với cùng kỳ.

"Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III năm 2023. Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý IV sẽ hạ nhiệt 33,4% so với quý trước. Trong năm 2023, chúng tôi ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỉ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ" - chuyên gia dự báo.

Ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 (tỉ đồng). Ảnh: VNDirect 

Trong năm 2023, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỉ đồng, tăng 76,0% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (14.476 tỉ đồng), CTCP Saigon Glory (7.000 tỉ đồng) và CT TNHH Phát triển Bất động sản An Khang (4.960 tỉ đồng).

Cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn theo ngành trong 2023 (%). Ảnh: VNDirect

Tài chính – ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn thứ hai với 37,0% tổng giá trị đáo hạn trong 2023, tương đương 100.824 tỉ đồng, tăng 55,0% so với cùng kỳ. Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 gồm: Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (14.048 tỉ đồng), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (13.650 tỉ đồng) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (9.900 tỉ đồng).

Các ngành khác chiếm 25,5% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2023, đạt 69.459 tỉ đồng, tăng 122,4% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp ngoài nhóm bất động sản và tài chính - ngân hàng có giá trị đáo hạn cao nhất gồm: CTCP Tập đoàn Sovico (16.350 tỉ đồng), CTCP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh (3.600 tỉ đồng) và CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải (2.990 tỉ đồng).

Áp lực vẫn rất lớn

Đối diện với áp lực trả nợ ngày càng lớn, thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đẩy mạnh các hoạt động bán hàng với nhiều khuyến mãi, ưu đãi lớn. Thậm chí có dự án mở bán chiết khấu tới 50% giá trị sản phẩm nhằm thu hút khách mua, tạo ra dòng tiền… 

Bên cạnh đó, các hoạt động chuyển nhượng dự án, "bán sỉ" bất động sản cũng được một số doanh nghiệp triển khai. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có khả năng tài chính đã đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn để giảm áp lực trả nợ, giảm chi phí lãi vay.

Theo Chứng khoán VCBS, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm tới vẫn lớn. Năm 2023 vẫn là giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động tái cấu trúc, sắp xếp lại các tài sản đảm bảo, thực hiện công bố thông tin hoàn thiện theo quy định của Nghị định 65. Giai đoạn này đã xuất hiện một số trái phiếu chậm trả gốc, lãi.

"Năm 2023, cơ quan nhà nước sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh tra giám sát phát hành trái phiếu số lượng lớn, không có tài sản đảm bảo, sử dụng vốn sai mục đích... Chúng tôi cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng với thanh khoản thấp. Điểm đáng chờ đợi sẽ là thời điểm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp tập trung đi vào vận hành và đem lại tính thanh khoản tốt hơn đối với sản phẩm này", đại diện VCBS nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn