MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hạn chót năm 2020 đang đến rất gần, và hiện tại mới chỉ có 9/17 ngân hàng đạt chuẩn Basel II. Ảnh: tổng hợp

Lộ diện ngân hàng thứ 9 đạt Basel II, “đường đua” vào chặng nước rút

Lan Hương LDO | 19/06/2019 07:52

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 9/17 ngân hàng đạt được chuẩn Basel II. Hạn chót năm 2020 càng đến gần thì áp lực tăng vốn và đảm bảo các yêu cầu theo chuẩn mực càng khó đối với một số ngân hàng.

Ngày 17.6, MSB chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trao quyết định áp dụng Thông tư 41 về qui định tỉ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel II. Thời điểm áp dụng là 1.7.2019.

Hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đang hướng đến nhằm tăng cường an toàn và hiệu quả hoạt động. Một trong những yêu cầu quan trọng của Basel II là đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ít nhất 8%. 

 Về đích sớm là có "quà”

“Nổ phát súng đầu tiên” trong danh sách các ngân hàng đạt chuẩn Basel II là Vietcombank và VIB. Thời điểm đó, NHNN đưa ra thông điệp tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng đáp ứng Basel II sớm trong việc tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới. Cụ thể, NHNN cho cơ chế "thoáng" hơn về "room" tín dụng. "Room" tín dụng hiện được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều ngân hàng hiện nay.

“Năm 2019, Vietcombank được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15%, mức cao nhất trong số các NHTM nhà nước. Nguyên nhân là do Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trong năm 2018 được phê duyệt đủ điều kiện áp dụng chuẩn mực theo Basel II. Vietcombank đã xử lý xong nợ xấu trước tiến độ”, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ với báo chí.

Từ đầu năm 2019 đến nay, lần lượt các ngân hàng OCB, TPBank, ACB, VPBank, Techcombank và MB được NHNN chấp thuận cho áp dụng thông tư 41.

Cuộc đua tăng vốn khốc liệt

Hạn chót năm 2020 đang đến gần, áp lực tăng vốn đối với một số ngân hàng càng cấp bách. Hiện đã có 9/17 ngân hàng chạm đến Basel II, trong đó có 6/10 ngân hàng được chọn ban đầu.

Theo TS Phan Minh Ngọc - chuyên gia tài chính ngân hàng, trong khi Việt Nam vẫn còn loay hoay với Basel II thì các nước đã tích cực thực thi tiêu chuẩn Basel III và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2022.

Ảnh minh hoạ . Ảnh VTB

TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh, tăng vốn để đảm bảo Basel II là vấn đề sống còn của các ngân hàng hiện nay và cuộc đua tăng vốn rất khốc liệt. Đặc biệt ở khối NHTM nhà nước, Chính phủ cần sớm đưa ra giải pháp tăng vốn cụ thể cho các ngân hàng này, bởi đây là các trụ cột cấp tín dụng của cả nền kinh tế.  

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản gửi đến các cơ quan nhà nước kiến nghị giải quyết nhu cầu cấp thiết tăng vốn điều lệ để tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng yêu cầu Basel II và tăng sức cạnh tranh cho các NHTM nhà nước.

Theo VNBA, VietinBank từ năm 2014 tới nay đã không được cấp bổ sung vốn điều lệ. Trong khi đó, VietinBank luôn duy trì tốc độ tăng trưởng quy mô mạnh (bình quân 18,5%) và thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 7%-10% vốn điều lệ. Do đó, hệ số CAR của VietinBank tương ứng bị sụt giảm và hiện đã tiến sát ngưỡng tối thiểu theo quy định của NHNN. Năm 2018, VietinBank chỉ tăng trưởng tín dụng 6%. Từ đầu năm 2019 tới nay, thậm chí không thể tăng tín dụng.

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) làm việc với NHNN, Bộ Tài chính, BIDV và VietinBank để "ngỏ lời" muốn tham gia tăng vốn cho 2 ngân hàng này. Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết "Phương án SCIC đưa ra là mua cổ phần 2 ngân hàng này bằng mệnh giá, giúp họ giải quyết bài toán thiếu vốn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn