MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
HoSE đang có kế hoạch tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu/lệnh. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Lô giao dịch tối thiểu tăng lên 100 cổ phiếu: Vì thị trường hay vì ai?

Thế Lâm LDO | 30/11/2020 09:52

Kế hoạch thử nghiệm tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu/lệnh của HoSE đang vấp ngay sự phản đối từ Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).

Theo lộ trình dự kiến, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) sẽ cho các công ty chứng khoán kết nối và thử nghiệm từ ngày 16-22.12, và sẽ triển khai lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phiếu/lệnh từ tháng 1.2021.

Tuy nhiên, việc tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu để làm gì và vì điều gì thì không chỉ VAFI mà ngay cả các nhà đầu tư vừa và nhỏ cũng chẳng thể hiểu nổi.

Trước hết cần nói về lập luận phản đối từ VAFI. Tổ chức này cho rằng việc tăng lô giao dịch tối thiểu theo kế hoạch của HoSE sẽ ngăn cản sự phát triển thị trường chứng khoán, đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào các cổ phiếu rác, cổ phiếu không chất lượng do cổ phiếu Bluechip trở nên "rất đắt đỏ" vượt ngoài khả năng vốn liếng của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Theo đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đối mặt với canh bạc rủi ro lớn hơn khi tham gia thị trường, đặc biệt là những nhà đầu tư mới được gọi là F0.

VAFI cũng cho rằng, lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phiếu/lệnh giao dịch không phải là mới mà đã được triển khai từ cách đây khoảng 20 năm từ khi HoSE mới đi vào hoạt động. Nhưng sau đó, phương thức này phải dẹp bỏ vì thấy rằng nó trở thành lực cản cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Không khó để nhận biết được động thái mới của HoSE là cải tiến hay cải lùi. Và thậm chí còn thấy rằng, việc tăng lô giao dịch tối thiểu như vậy đã loại bỏ không ít nhà đầu tư chứng khoán khỏi cuộc chơi một cách đầy vô lí và bất công, đặc biệt là cuộc chơi đối với những cổ phiếu Bluechips có thị giá cao nhưng cũng đầy cơ hội về lợi nhuận.

Đây cũng cho thấy một kế hoạch thiếu thấu tình đạt lí.

Hãy nhìn vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn hồi phục từ tháng 4.2020 trở lại đây, công đóng góp không nhỏ vào quá trình hồi phục trong bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp đến từ đâu? Từ đây không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ là các F0, đã làm cho thị trường sôi trào bất chấp khối ngoại bán ròng mạnh và dài nhiều tháng liền lên đến gần cả tỉ USD rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu để hạn chế các lệnh nhỏ lệnh rác gây áp lực lên hệ thống của các công ty chứng khoán ư?

Đây là một quan điểm và lập luận khó có thể chấp nhận. Các công ty này kinh doanh thu về lợi nhuận bằng việc cung cấp dịch vụ chứng khoán, nghĩa vụ của họ là phải hoàn thiện hệ thống kĩ thuật và cả chuyên môn, thái độ và cung cách phục vụ. Những công ty nào dịch vụ không tốt và chuyên môn, hạ tầng kĩ thuật không đạt chuẩn thì HoSE nên cảnh cáo, thậm chí xem xét ngừng cho kết nối để buộc phải hoàn thiện. Bởi nếu không thì khách hàng, nhà đầu tư cũng sẽ mất tín nhiệm, chán nản và rời bỏ.

Nếu không đáp ứng được hạ tầng kĩ thuật hoàn thiện với chất lượng tốt và an toàn thì không để kinh doanh dịch vụ chứng khoán, chứ không thể bắt cả thị trường và nhà đầu tư phải chỉnh theo tệ trạng đó.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có chuẩn chưa cao và có nhiều việc cần kíp hơn để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE thúc đẩy cải thiện nhằm nâng cao chuẩn mực, chất lượng chứ không phải mấy việc đơn giản là tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu/lệnh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn