MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diasure dưới mác sữa non tiểu đường được bán rộng rãi trên sàn thương mại điện tử.

Lỗ hổng quản lý trong vụ sữa quảng cáo tung hoành

NHÓM PV LDO | 10/08/2023 07:30

Hiện tượng sữa Diasure chính là một minh chứng rõ nét cho vấn để lỗ hổng trong quản lý thực phẩm chức năng hiện nay. Doanh nghiệp chỉ cần tự công bố sản phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Quá dễ đưa sản phẩm ra thị trường?

Loạt bài về tình trạng sữa Diasure quảng cáo dối trá được Báo Lao Động phản ánh cho thấy dù chỉ là sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt nhưng sản phẩm Diasure của Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Diamond Việt Nam (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) lại được quảng cáo là “sữa tiểu đường” hay “sữa non tiểu đường”.

Đơn vị phân phối sản phẩm này dùng đủ mọi cách thức từ gọi điện tư vấn, sử dụng người nổi tiếng đến website, mạng xã hội,... để tung hô cho sản phẩm.

Điều đáng nói ở đây, với sản phẩm dinh dưỡng trong trường hợp nêu trên, theo quy định, doanh nghiệp chỉ cần tự công bố sản phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Sau đó, nếu thấy có vấn đề, cơ quan chức năng mới tổ chức hậu kiểm những công ty, dòng sản phẩm đó.

Dù chỉ là thực phẩm chức năng nhưng Diasure lại được quảng cáo là sữa, gây nhầm lẫn lớn cho người tiêu dùng. Ảnh: Chụp màn hình.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, khi tự công bố, doanh nghiệp có thể thực hiện bằng cách: Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm (trường hợp chưa có Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm thì tổ chức, cá nhân nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để lưu hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận).

Ngay sau khi tự công bố, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn của sản phẩm đó.

"Quy định là như vậy và Chi cục sẽ tổ chức các đoàn hậu kiểm để đánh giá sản phẩm và cơ sở sản xuất sản phẩm đó có đúng với hồ sơ tự công bố hay không, có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không?" - đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nói.

Vị này cũng cho biết phía Chi cục hàng năm sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm đối với các dòng sản phẩm đăng ký công bố, tự công bố, sẽ ưu tiên lựa chọn những công ty, sản phẩm có yếu tố nguy cơ cao, dễ gây mất an toàn thực phẩm...

Dù vậy, có một thực tế rằng, hàng năm lượng sản phẩm tự công bố rất nhiều, do đó để đảm bảo đánh giá, kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở thực phẩm trên địa bàn, tránh bỏ sót, chồng chéo trong công tác kiểm tra hậu kiểm, hàng năm, Chi cục có công văn gửi các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra hậu kiểm tại các cơ sở thực phẩm ngoài kế hoạch của Chi cục.

Nhiều trường hợp chưa làm đúng quy định

Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trừ thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi;...

Đồng thời, theo nghị định này, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

Có những thực trạng đáng quan tâm về câu chuyện tự công bố sản phẩm. Trong một toạ đàm về vấn đề này vào tháng 10.2022, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, cho biết từ khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP đi vào cuộc sống, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã nhận hơn 180.000 hồ sơ doanh nghiệp tự công bố và đã thực hiện hậu kiểm hơn 80% hồ sơ trên giấy tờ. Kết quả chỉ 45% hồ sơ đáp ứng yêu cầu, 55% hồ sơ không đạt do doanh nghiệp kê khai chưa đủ, chưa đúng quy định.

“Ban đã liên hệ doanh nghiệp để yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa. Chỉ 52 doanh nghiệp bị xử phạt vì sai sót quá lớn với tổng số tiền xử phạt lên đến hơn 3 tỉ đồng. Gần đây nhất, Ban đã xử phạt 1 doanh nghiệp rất lớn do doanh nghiệp này tự công bố sản phẩm thuộc danh mục phải làm hồ sơ công bố” - bà Phong Lan nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn