MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà vườn miền Tây không chuyển mai ra chợ Tết bán để tránh rủi ro. Ảnh: Mỹ Ly

Lo lắng rủi ro, nhà vườn miền Tây không cho mai xuống phố

MỸ LY LDO | 03/02/2024 06:22

Thời điểm này, hoa kiểng chưng Tết đã đồng loạt xuống phố phục vụ người dân. Song kinh tế khó khăn, lo ngại sức mua giảm sút nên một số nhà vườn miền Tây quyết định để mai lại vườn cho thương lái tự đến xem thay vì vận chuyển ra chợ Tết.

Giá cả lẫn sức mua đều giảm

Với hơn 350 gốc mai lớn nhỏ, ông Lê Văn Dự (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) chia sẻ, đây là một năm khá khó khăn của nhà vườn trồng mai. Bởi dù đã tính toán kỹ lưỡng nhưng hiện vườn mai của ông vẫn có đến 30% mai nở sớm do năm nhuận. Việc hoa nở sớm đã ảnh hưởng đến lượng mai bán ra.

“Ngay từ đầu, tôi đã tính toán, chăm sóc chu đáo nhưng hiện ước tính chỉ có khoảng 70% cây sẽ nở hoa đúng như dự đoán. Điều này cũng gây khó khăn cho việc buôn bán bởi hầu hết thương lái đều sẽ ưu tiên lựa chọn những cây nhiều nụ và nở rộ đúng vào các ngày Tết. Những cây nở sớm không bán được buộc lòng để lại năm sau”, ông Dự nói.

Chẳng những bị ảnh hưởng do hoa nở sớm mà ngay cả chi phí chăm sóc, giá cả bán ra cũng khiến nhà vườn này thấp thỏm. Theo ông Dự, năm nay kinh tế khó khăn, không chỉ nhà vườn mà ngay cả thương lái cũng gặp khó. Vì thế, số lượng mai cũng như giá cả được thương lái thu mua cũng giảm so với năm trước. Trong khi đó, chi phí vật tư nông nghiệp lại tăng.

Ông Đạm quyết định năm nay chỉ bán mai tại vườn nhà. Ảnh: Mỹ Ly

Không bị ảnh hưởng nhiều do mai nở sớm, song những ngày này, ông Bùi Thanh Đạm (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng đang hồi hộp chờ đợi bởi đã cận Tết nhưng lượng thương lái đến mua vẫn khá ảm đạm, hoặc có đến xem thì cũng ép giá.

“Năm nay nhuận làm một số mai nở sớm nhưng tôi vẫn kiểm soát được. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn dẫn đến nhu cầu của người chơi mai giảm nên số lượng thương lái đến xem và mua mai năm nay chỉ bằng một nửa năm ngoái. Cũng có thương lái đến vườn mai hỏi mua nhưng do giá cả chưa ổn nên tôi chưa bán. Nếu gốc mai nhà tôi năm trước ra giá 100 triệu đồng thì năm nay cũng gốc mai đó, thương lái chỉ trả có 70 triệu đồng”, ông Đạm chia sẻ.

Không đưa mai xuống phố

Trước tình hình năm nay, ông Đạm quyết định sẽ không vận chuyển mai ra chợ Tết bán để tránh rủi ro. Nhà vườn này cho biết, giá mai giảm nhưng phân thì tăng, nếu vận chuyển ra chợ sẽ tốn thêm chi phí.

“Mang mai ra chợ bán thì có lượng khách hàng đông nhưng phải thức đêm thức hôm canh chừng. Rồi chi phí vận chuyển không ít, nhất là những gốc to. Chưa kể, việc đem mai đi ra khỏi đất cũng làm suy cây, về lại phải dưỡng, tốn thêm chi phí”, ông Đạm bộc bạch.

Với những nguyên nhân đó cộng thêm tình hình sức mua của năm nay nên ông Đạm chủ yếu để mai bán tại vườn nhà. Nếu thương lái xem và trả được giá ổn thì ông sẽ bán kiếm tiền ăn Tết, còn không được thì giữ lại cho năm sau.

Năm nay, vườn mai của ông Dự đem lại thu nhập ổn nhờ lượng khách quen. Ảnh: Mỹ Ly

Tương tự, ông Dự cũng chỉ bán tại vườn để tránh rủi ro. “Nếu khách hàng không mua thì khi đem mai về trồng lại, khoảng một năm sau cây mới phục hồi được. Cho nên, năm nay, tôi quyết định cho mai ở lại vườn để cây phát triển khỏe mạnh. Với lại, dù sức mua giảm nhưng nhờ lượng thương lái quen nên thu nhập của vườn mai vẫn ổn định, đủ ăn Tết rồi”, ông Dự tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn