MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lo ngại EVN hết tiền trong tài khoản, áp lực tăng giá điện đã cận kề

Cường Ngô LDO | 18/02/2023 06:34
Trước lo ngại mất cân đối tài chính do khoản lỗ giai đoạn năm 2022-2023 của EVN lên tới 99.000 tỉ đồng, chuyên gia kinh tế cho rằng có khả năng phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ tháng 3 hoặc tháng 4.2023.

Giữa năm 2023, EVN sẽ hết tiền?

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để gỡ khó tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022 - 2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.

Các nội dung cuộc họp không được thông tin cụ thể, thay vào đó là thông cáo báo chí của Bộ Công Thương.

Mặc dù các thông tin không được cung cấp cụ thể trong thông cáo báo chí của Bộ Công Thương, nhưng theo tài liệu của Lao Động, vấn đề cân đối tài chính của EVN đang gặp nhiều thách thức khi dự kiến lỗ gần 99.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2022-2023.

Cụ thể, trong năm 2023, EVN dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt khó khăn như đảm bảo cung ứng đủ điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, cân đối tài chính khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỉ giá...

Tổng số lỗ lũy kế của năm 2022-2023 dự kiến là 99.305 tỉ đồng. Việc lỗ này sẽ làm mất vốn nhà nước tại EVN (mất 44,8% vốn nhà nước tại EVN).

Chuyên gia cho rằng, có thể điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ tháng 3 hoặc tháng 4.2023. Ảnh: Cường Ngô 

Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương vào tháng 1.2023, trên cơ sở số liệu về số dư tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, dự kiến các nguồn thu, nguồn chi, đến hết tháng 5.2023 công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản. 

Việc không chủ động được dòng tiền, EVN lo ảnh hưởng tới thanh toán chi phí mua điện, khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và từ đó tác động đến việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.

Khi nào tăng giá điện là phù hợp

Từ những khó khăn đó, EVN kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo Nghị quyết số 10 ngày 3.2 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 1.2023. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào và bao giờ tăng thì chưa được EVN và các cơ quan hữu quan tiết lộ.

Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, những khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.

Do vậy, Bộ Công Thương cần báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ tháng 3 hoặc tháng 4.2023. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện dựa trên cơ sở khung giá điện đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ban hành vào ngày 3.2.2023, với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh.

Ông Đinh Trọng Thịnh tính toán, giá bán lẻ điện năm 2023 có thể tăng lên mức 2.162 đồng/kWh (tăng 15,9%), hoặc lên mức 2.243 đồng/kWh (tăng 20,3%), hoặc có thể tăng lên mức kịch khung nếu tính cả khoản lỗ năm 2022 của EVN.

Để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất có thể chia lộ trình tăng giá điện làm 2 đợt. Đợt 1 vào tháng 3 hoặc tháng 4.2023, đợt 2 vào tháng 10.2023.

Để làm được điều này, ngay trong tháng 2.2023, EVN phải hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định số 24 của Thủ tướng và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tính toán, đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp. Việc điều chỉnh càng để chậm thì sẽ mức độ điều chỉnh càng lớn do lỗ lũy kế sẽ càng tăng.

Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, với kiến nghị sớm điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, ông Hoà cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã làm việc phối hợp, hướng dẫn EVN thực hiện đúng các Quyết định 24 về giá bán lẻ điện bình quân. Đảm bảo tiến độ hoàn thành trong tháng 3.2023. 

"Chúng tôi đề nghị EVN phải nhanh chóng hoàn thành báo cáo chi phí sản xuất điện, kiểm toán giá điện. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm tra, công bố giá thành, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. 

EVN cũng phải phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ các tác động về tình hình kinh tế vĩ mô, các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá ở mức độ phù hợp", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn