MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng lên trong quý III/2020. Ảnh: Hải Nguyễn

Lo ngại nợ xấu ngân hàng ngày càng phình to

Cẩm Hà LDO | 04/11/2020 07:41
Báo cáo kết quả kinh doanh vừa được các ngân hàng công bố cho thấy, nợ xấu tại các ngân hàng đạt mức tăng trung bình 30% so với thời điểm đầu năm gây lo ngại về khả năng nợ xấu còn có xu hướng tiếp tục “phình” to trong các tháng cuối năm.

Nợ xấu tiếp tục tăng lên

Theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III/2020 của các ngân hàng, có tới 14/16 ngân hàng thương mại (NHTM) ghi nhận nợ xấu có mức tăng trung bình 30% so với thời điểm đầu năm cho thấy một thực tế là những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang lan mạnh sang hoạt động của các ngân hàng.

Đồng tình với nhận định này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhìn nhận, trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế. “Theo đó, khi doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ sẽ gặp nhiều khó khăn - đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng” - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên. Đáng chú ý là trong thời gian tới, nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp chưa rõ thời điểm kết thúc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thương mại quốc tế và thương mại dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, để kiểm soát nợ xấu, NHNN giao cho các đơn vị chức năng đánh giá, dự báo, phân tích và đề ra biện pháp ứng phó tình hình, bảo đảm an toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng.

Một vấn đề gây nhiều lo ngại là thời gian qua, thực hiện theo các nội dung trong Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các NHTM đồng loạt triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, hoãn giãn nợ, gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân. Chỉ tính đến giữa tháng 9.2020, hệ thống ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỉ đồng. Do đó, ngoài những khó khăn chung do tác động của dịch bệnh COVID-19, việc Thông tư 01 sẽ có thời điểm hết hạn cũng gây nhiều lo lắng về việc nợ xấu sẽ có mức tăng mạnh khi doanh nghiệp và người dân không còn được cơ cấu lại nợ.

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Trong khi đó, với việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, trong thời gian qua, công tác xử lý nợ xấu được thực hiện khá hiệu quả, các vướng mắc khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu đã được khắc phục. Cụ thể, theo thống kê về mặt số liệu luỹ kế từ ngày 15.8.2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30.9.2020, đã có 312,3 nghìn tỉ đồng nợ xấu được xử lý, nợ xấu nội bảng 167,9 nghìn tỉ đồng chiếm 53,8%, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối đạt 74,9 nghìn tỉ đồng. Và các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt được 69,5 nghìn tỉ đồng.

Ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN - cho biết, đến nay, khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng và xử lý nợ xấu được hoàn thiện phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện và chất lượng tín dụng cũng được cải thiện, tỉ lệ nợ xấu giảm dần qua các năm. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỉ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Còn ông Đỗ Giang Nam - Phó Tổng Giám đốc VAMC - cho rằng, Nghị quyết 42 khẳng định rõ ràng hơn quyền của chủ nợ của VAMC và TCTD; góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc trả nợ; tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá trị thị trường; giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu. Qua đó, Nghị quyết 42 tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn