MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lộ rõ những "lỗ hổng" trong kinh doanh xăng dầu, cần kiểm toán Quỹ BOG

Cường Ngô - Đức Thành LDO | 13/02/2022 10:00

Nhiều chuyên gia cho rằng, một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu trong thời gian vừa qua là nguyên nhân dẫn tới việc điều hành không thông suốt, không linh hoạt, dẫn tới những bất cập, hệ luỵ.

Giá xăng lập đỉnh do điều hành thiếu linh hoạt

Ngày 11.2, giá xăng RON 95 đã vượt 25.000 đồng, vọt lên mức cao nhất 8 năm. Lý do là bởi đợt điều chỉnh giá lần này chậm 10 ngày so với thông thường, do ngày 1.2 rơi vào mùng 1 Tết và theo Nghị định 95 sẽ chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo.

Các chuyên gia nói đó là sự điều hành thiếu chủ động, thiếu linh hoạt. "Nếu kỳ điều hành đầu tháng 2 vẫn diễn ra bình thường hoặc Bộ Công Thương linh hoạt khi thị trường bất thường, thì biên độ tăng giá xăng sẽ không "sốc" như vậy và cũng không có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá”, PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định.

"Nếu chúng ta điều hành linh hoạt hơn, điều chỉnh xăng dầu vào ngày mùng 2 hoặc mùng 3 thì sẽ không có hiện tượng này", ông Thịnh nói.

Chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận tại cuộc họp ngày 9.2 rằng "cần có sự linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu", như không nhất thiết phải chờ đúng 10 ngày như quy định, mà có thể 3 hoặc 5 ngày điều chỉnh.

"Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, đề nghị cho phép liên Bộ Công Thương - Tài chính linh hoạt hơn trong điều hành, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới", ông Diên nói.

Người dần ùn ùn đi đổ xăng trước giờ giá xăng tăng mạnh. Ảnh: Tùng Giang 

Những lỗ hổng trong điều hành xăng dầu, cần thanh tra Quỹ Bình ổn (BOG)

Trao đổi với Lao Động, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực xăng dầu cho biết, một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu trong thời gian vừa qua cũng là nguyên nhân dẫn tới việc điều hành không thông suốt, không linh hoạt. 

Theo đó, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trước đây yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày.

Doanh nghiệp sản xuất dự trữ dầu thô 30-60 ngày, phòng khi có sự cố bất ngờ như "sự biến Nghi Sơn" vừa qua, thì nhà chức trách còn chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối kịp thời nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo phục vụ thị trường và tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung.

Tuy nhiên, tại Nghị định 95 vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022, mức dự trữ lưu thông với xăng dầu thành phẩm được rút ngắn xuống 20 ngày đã lộ rõ những bất cập trong điều hành xăng dầu, dẫn tới rủi ro khi nguồn cung trong nước từ nhà máy lọc dầu thiếu hụt.

Điển hình là trường hợp Nghi Sơn, khi doanh nghiệp thông báo không còn tiềm lực tài chính để nhập dầu thô về sản xuất thành phẩm xăng dầu thì các doanh nghiệp đầu mối lại "vắt chân lên cổ", xoay xở nhập khẩu, để bù cho phần thiếu sản lượng.

Cũng theo chuyên gia này, để doanh nghiệp dần tiếp cận kinh tế thị trường, chủ động trong kinh doanh, minh bạch trong công tác điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, thì Nghị định 83 đã quy định rất rõ về vấn đề điều hành giá, nhưng đến Nghị định 95 lại không thể hiện rõ được điều đó.

Ví dụ, như Nghị định 83 quy định xăng dầu tăng giá đến 3% thì doanh nghiệp được tăng giá bao nhiêu %; còn xả Quỹ Bình ổn bao nhiêu %, hoặc tăng bao nhiêu % cũng đã được quy định rất rõ.

Đặc biệt, Nghị định 83 còn quy định rõ đến kỳ điều hành mà cơ quan quản lý Nhà nước chưa điều hành, thì doanh nghiệp được tăng bao nhiêu % theo khung mức và chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý Nhà nước về mức điều chỉnh giá của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại Nghị định 95 - những điều này không được thể hiện, chỉ thể hiện tăng trên 10% thì báo cáo Chính phủ điều hành. "Điều này là không hợp lý, không sát trong công tác điều hành xăng dầu", chuyên gia nói, đồng thời cho biết, việc Quỹ Bình ổn xăng dầu hay giá xăng dầu tăng theo theo định tính, không có định lượng, sử dụng Quỹ không hợp lý sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, đã đến lúc cần thanh tra, kiểm toán vào cuộc để minh bạch vấn đề này.

Những bất cập trong công tác điều hành xăng dầu trong thời gian qua cũng là thể hiện rõ những lỗ hổng trong công tác quản lý hệ thống xăng dầu và vấn đề này không phải mới mẻ bởi đã được cảnh báo từ trước.

Dẫn chứng góp ý của ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83, vị này cho biết, ông An đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này.

Cụ thể, ông An kiến nghị: "Bỏ cấp giấy phép và bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu đang được quy định tại Nghị định 83, vì thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối - nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu.

Nếu loại bỏ được loại hình thương nhân phân phối xăng dầu này sẽ giảm thiểu được tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung trong nước, bởi loại hình thương nhân này chỉ mua từ các đầu mối và bán lại cho các đại lý".

Có thể thấy, khi khan hiếm nguồn cung, các đầu mối sẽ chỉ đảm bảo cho hệ thống của mình trước. Lúc này thương nhân phân phối xăng dầu sẽ gặp khó khăn cho hệ thống của mình, từ đó, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.

Điều này cũng được thể hiện ở báo cáo của Sở Công Thương Cà Mau khi cho biết, các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối, nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu để phục vụ người dân trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn