MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lo thiếu xăng dầu trong năm 2023

Anh Tuấn LDO | 07/01/2023 22:50
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố, chiết khấu ở mức thấp, tình hình chính trị, kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp, khó lường... sẽ là những yếu tố gây áp lực lên thị trường xăng dầu trong năm 2023.

Sự cố tại NSRP ảnh hưởng tới 25% sản lượng xăng dầu theo kế hoạch

Ngày 7.1, đại diện Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cho biết, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phát hiện trục trặc kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt áp tái sinh tại phân xưởng RFCC, hiện tạm dừng để sửa chữa. Sản lượng xăng dầu sẽ giảm 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.

Trong khi đó, dự kiến trong tháng 1, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 600.000m3 xăng dầu, trong đó có 240.000m3 xăng RON92 và RON 95; 360.000m3 dầu diesel và jet A1.

Với sự cố này, sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1 sẽ bị ảnh hưởng so với kế hoạch. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng ảnh hưởng cho nguồn cung xăng dầu trong năm 2023. 

Ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết, ngoài sự cố của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, năm 2023, thị trường xăng dầu tiếp tục gặp khó khăn khi phần lớn dầu thô phụ thuộc nhập khẩu. Thị trường thế giới luôn tiềm ẩn bất ổn, rủi ro khó lường do xung đột địa chính trị, dịch bệnh.

Trong nước, việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo dưỡng 2 tháng, sản lượng sụt giảm là rất khó khăn. Bài học kinh nghiệm hồi tháng 3.2021 cho thấy, việc một trong hai nhà máy lọc dầu gặp sự cố ngừng sản xuất, dẫn tới nguồn cung căng thẳng, nhập khẩu không kịp bù đắp sẽ tác động tiêu cực tới thị trường và gây đứt nguồn cung trong nước.

Đây là những cảnh báo để cơ quan chức năng cần có kịch bản ứng phó sát với thực tế điều hành xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng như cả năm 2023.

Tình trạng của Nghi Sơn hiện nay có thể là khơi nguồn cho thị trường xăng dầu lập lại lịch sử chưa từng có của năm 2022 nếu không có giải pháp kịp thời. Ảnh: Lọc dầu Nghi Sơn 

Còn theo một lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, mức sản lượng tổng đại lý và thương nhân phân phối cam kết giao cho doanh nghiệp quý I/2023 lớn gấp 3 lần so với quý IV/2022. Tuy nhiên, cũng chỉ ở mức cam kết, chưa có ràng buộc. Tổng đại lý và thương nhân phân phối, đầu mối sẽ cung cấp hàng nếu họ có đủ nguồn hàng nhập về.

Đầu mối, thương nhân vẫn "bóp" chiết khấu doanh nghiệp bán lẻ

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phía Bắc, chiết khấu 0 đồng hoặc âm không còn xảy ra. Tuy nhiên, mức chiết khấu hiện vẫn thấp, dao động từ 400-600 đồng/lít.

Với mức chiết khấu này, doanh nghiệp bán lẻ chỉ vừa đủ trang trải chi phí, thậm chí không có lãi vì trừ các khoản chi phí phát sinh. Điều này, về lâu dài sẽ triệt tiêu động lực kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể nếu tình hình xăng dầu thế giới biến động phức tạp, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ "trở tay không kịp", từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung. 

Tại khu vực phía Bắc, mức chiết khấu từ kho tổng đại lý, thương nhân phân phối thời điểm này vào khoảng 500 đồng/lít. Tại phía Nam, mức chiết khấu chỉ 200-400 đồng/lít (chưa bao gồm chi phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác). Nếu tính phí vận chuyển, mức chiết khấu còn lại cho bán lẻ chỉ còn khoảng 200 đồng/lít.

TS. Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho Lao Động biết, chiết khấu cho kinh doanh bán lẻ xăng dầu đang giảm mạnh. Cụ thể, đầu mối phân phối chỉ chiết khấu với dầu là 200 đồng/lít, chỉ dấu báo hiệu nguy cơ bất ổn.

Ông Giang Chấn Tây lo ngại thời gian tới sẽ thiếu hàng vì nhà phân phối đang bán lỗ nên hạ thấp hoa hồng. Nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm nữa thì hoa hồng có thể bằng 0 đồng hoặc âm thì khả năng xảy ra đóng cửa của đại lý bán lẻ xăng dầu là rất cao.

"Kinh doanh xăng dầu đang lỗ, đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu cửa hàng bán 1.000 lít mỗi ngày thì phải thuê 2 nhân công với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng, tính ra mất tiền thuê nhân công gần 500.000 đồng/ngày, đó là chưa kể các chi phí về thuê địa điểm, điện nước… Như vậy, mức hoa hồng trên rõ ràng không đủ bù đắp chi phí" - ông Tây cho hay.

Chiết khấu hoa hồng cho doanh nghiệp xăng dầu đang ở mức thấp, lo ngại thiếu hụt nguồn cung xăng dầu như thời gian gần đây. Ảnh: Tùng Giang 

Trước thực tế đó, lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý phải nghiên cứu quy định chiết khấu cố định cho nhà bán lẻ xăng dầu, đây cũng là yếu tố giúp đảm bảo vận hành của thị trường trong thời gian tới.

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho hay, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác.

Ông đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tính toán mức chiết khấu đúng, đủ cho doanh nghiệp để tránh tình trạng "doanh nghiệp càng bán càng lỗ" như thời gian qua, từ đó, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn