MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lo vỡ nợ, Mỹ cân nhắc đúc xu khổng lồ trị giá nghìn tỉ USD bỏ két

Quý An (theo The Economist) LDO | 17/05/2023 10:40
Nguy cơ vỡ nợ của nước Mỹ đang đến gần và chìa khoá giải bài toán này là gì? Đúc 1 đồng xu lớn trị giá nghìn tỉ USD gửi vào tài khoản chính phủ là một trong những giải pháp được đưa ra.

Nước Mỹ lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng trần nợ công. Nếu Quốc hội và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận, chính phủ Mỹ có thể cạn kiệt tiền mặt và đứng trên bờ vực vỡ nợ chỉ trong vài tuần nữa. Hầu hết các nhà đầu tư mong đợi một sự thỏa hiệp vào phút cuối như trong các cuộc khủng hoảng trước đây. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận chung vẫn khá bế tắc. Vì vậy, Nhà Trắng phải xem xét các lựa chọn.

Vấn đề được đặt ra: nếu không có thỏa thuận chung, Tổng thống Joe Biden sẽ phải làm gì?

Có hai cách giải quyết phổ biến để quản lý hậu quả từ thảm họa trần nợ.

Gần như chỉ còn một cách nếu Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận trước nguy cơ vỡ nợ. Ảnh: Xinhua

Về lý thuyết, một đồng xu trị giá hàng nghìn tỉ USD có thể được xem xét đúc với bất kỳ mệnh giá nào. Đây là đề xuất lần đầu được đưa ra vào năm 2010. Đồng xu có giá trị cực lớn này sẽ được gửi vào tài khoản của chính phủ qua FED. Nó được sử dụng để chi trả mọi thứ, từ chi phí quân sự đến nghiên cứu khoa học. Chính phủ Mỹ sẽ không cần Quốc hội chấp thuận tăng trần nợ.

Nhà Trắng có thể triển khai một điều trong Hiến pháp. Điều khoản này quy định rằng, tính hợp lệ của khoản nợ chính phủ Mỹ “sẽ không bị nghi ngờ”. Chính quyền có thể chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục phát hành trái phiếu. Nhà Trắng sẽ coi trần nợ là vi hiến và được tự do hành động.

Một giải pháp khác liên quan đến công cụ kỹ thuật tài chính. Trần nợ cụ thể nhắm vào mệnh giá của khoản nợ. Với lãi suất hiện tại, Kho bạc có thể vay tiền trong 2 năm với lãi suất hàng năm khoảng 4%. Trái phiếu sẽ đi kèm voucher giảm giá (có thể là 100%). Khi đó, trái phiếu sẽ có mệnh giá thấp hơn nhưng lại vẫn huy động được một lượng tiền lớn. Lãi suất phải phù hợp với tỉ giá thị trường. Khi kho bạc chuyển các khoản nợ hiện có thành trái phiếu lãi suất cao và mệnh giá thấp, cơ quan này sẽ có thể tiếp tục đi vay.

Dù vậy, những cách thức này chỉ được coi là “mẹo” và có những khiếm khuyết nhất định, gây nguy cơ bất ổn trên thị trường. Việc đúc đồng xu mệnh giá lớn đã bị Bộ trưởng Tài chính Yellen bác bỏ.

Cách thức xử lý thứ hai sẽ khiến Mỹ thấy rắc rối và tổn thương hơn: ưu tiên thanh toán. Tiền mặt từ doanh thu thuế sẽ dùng để thanh toán lãi. Các nhà phân tích tại Viện Brookings ước tính, chính phủ Mỹ sẽ phải cắt giảm 25% chi tiêu ngoài lãi suất của chính phủ.

Các quan chức tại FED và Bộ Tài chính đã bắt đầu lập kế hoạch ưu tiên, dù chưa chắc mọi thứ sẽ được triển khai đúng như dự tính. Để kế hoạch này hoạt động, chính phủ sẽ phải tiếp tục tiến hành bán trái phiếu thường xuyên, sử dụng số tiền thu được để trả nợ gốc từ trái phiếu đáo hạn.

Yếu tố chính trị cũng sẽ thêm phần nguy hại khi phải đặt người nắm giữ trái phiếu lên trước những nhân sự như công chức, người hưu trí và quân nhân. Năm 2011, Chủ tịch FED New York khi đó là Bill Dudley đã nhận xét điều này là “không bền vững”.

Nếu Quốc hội Mỹ không kịp thời dỡ bỏ trần nợ, chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ được ưu tiên. Daleep Singh, cựu cố vấn kinh tế của chính quyền đương nhiệm, cho biết: “Chi phí cắt giảm sẽ lớn, và hy vọng mọi thứ đều có thể được thỏa thuận. Dù kết quả thế nào, thì sẽ có một kết luận rõ ràng: đây không phải là cách để quản lý nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn