MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Loạn nguồn gốc giò chả, người dân cần cảnh giác tránh ngộ độc Botulinum

Thanh Thanh LDO | 22/05/2023 15:43

Những ngày qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc Botulinum ở TP Hồ Chí Minh, trong đó có liên quan đến ăn giò chả, khiến nhiều người dân lo lắng. Hiện có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giò chả ở thành phố, do vậy người tiêu dùng cần cảnh giác để lựa chọn và chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Đa dạng nguồn cung giò chả

Hiện nay, tại thị trường TP Hồ Chí Minh, có rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giò chả. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ ở TP Hồ Chí Minh, các sạp hàng bán giò chả đều có thông tin địa chỉ sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng,...

Cụ thể, tại chợ Bình Thới (Quận 11), các loại chả quế, chả lụa, giò thủ,... đều có bao bì ghi rõ thông tin sản phẩm. Tương tự, tại chợ Phú Lâm (Quận 6), người mua nếu có thắc mắc về nguồn gốc, hạn sử dụng của sản phẩm đều được người bán giải đáp.

 Các sạp hàng bán giò chả ở chợ Bình Thới. Ảnh: Thanh Thanh 

Một số tiểu thương cho biết việc kinh doanh ở chợ là lâu dài nên buôn bán phải có uy tín, đảm bảo sức khỏe cho khách hàng. Đồng thời, các hộ kinh doanh đều được kiểm soát và quản lý, vì vậy, các thông tin sản phẩm được niêm yết theo đúng quy định.

Hiện vẫn có một số điểm bán hàng ở lề đường hoặc xung quanh các chợ truyền thống và buôn bán online được nhiều người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn các sản phẩm thủ công nhà làm. Tuy nhiên, một số sản phẩm không có nhãn mác và thường được quảng cáo là nhà làm, không chất bảo quản nên ngon và an toàn.

 Giò chả không nhãn mác được bày bán. Ảnh: Thanh Thanh

Theo một người bán gần chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), giò chả chủ yếu nhà làm, còn nguồn thịt thì lấy ở mối quen. "Nhiều người mua về ăn lần đầu cũng quay lại mua lần 2, lần 3. Còn về tem nhãn do bán nhỏ lẻ, nên tôi không làm" - người bán này nói. 

Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho chính bản thân và gia đình. 

Thông thái trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm 

Mới đây, đã có 6 người tại TP Hồ Chí Minh (3 trẻ em và 3 người lớn) được phát hiện ngộ độc Botulinum, nhập viện điều trị. Trong đó, có 5 trường hợp phát bệnh sau khi ăn bánh mì với một loại chả lụa sản xuất tại một cơ sở ở TP Thủ Đức. Liên quan đến thuốc giải độc BAT hiếm, các bác sĩ cũng lo ngại về tình trạng thiếu thuốc điều trị giải ngộ độc Botulinum hiện nay.

Trao đổi với Báo Lao Động, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay thông thường những thức ăn được ủ, gói kín nếu làm không sạch, để càng lâu sẽ có càng nhiều độc tố. Khi ăn vào, độc tố ngấm vào máu, gây liệt. 

Bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: Nguyễn Ly

"Cơ sở hay cá nhân nào làm thực phẩm cũng phải tuân theo quy trình đảm bảo an toàn. Vấn đề quan trọng là phải bảo đảm nguồn gốc, kiểm soát quy trình sản xuất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát quy trình sản xuất" - bác sĩ Khanh cho hay. 

Còn bác sĩ Trương Ngọc Phú - Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo phụ huynh cần chú ý đến việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm tươi sống. Đối với thực phẩm đóng hộp, cần lựa chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy cách đóng gói an toàn, có ghi hạn sử dụng.

Khi phát hiện thực phẩm có màu, có mùi lạ, không nên ăn và thông báo với nhà bán hàng, nơi cung cấp hoặc cơ quan chức năng can thiệp. Tuyệt đối không tiêu thụ thực phẩm nghi ngờ và kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng cho mình và cả gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn