MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Loạt bất cập trong quy định tính thuế thu nhập cá nhân

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 12/08/2022 17:18

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang tồn tại với hàng loạt bất cập sau 10 năm áp dụng. Những nội dung liên quan đến mức chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, cách tính biểu thuế đang hết sức nhức nhối trong bối cảnh "bão giá" và cần thiết phải sửa đổi. 

Áp lực nộp thuế giữa "bão giá"

Từ đầu năm đến nay, vấn đề co kéo chi tiêu luôn khiến chị Nguyễn Việt Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải đau đầu. Vật giá tăng lên chóng mặt cộng với những dư chấn sau dịch bệnh làm cho thu nhập của một nhân viên văn phòng như chị rơi vào bài toán nan giải. 

"Từ thịt cá, trứng, sữa, thứ gì cũng tăng lên 10 - 20%, có thứ còn tăng lên gấp đôi so với trước. Tôi còn có cháu thứ hai năm nay vào đại học, lại phải lo một khoản để nộp học phí. Đó còn là chưa kể những khoản chi khác như hiếu hỉ, khám bệnh, lo cho hai bên nội ngoại. Trước đây, thu nhập hai vợ chồng khoảng 40 triệu còn để được ra chút tiết kiệm chứ như bây giờ thì chịu" - chị Việt Hà cho hay. 

Đó cũng là những tâm tư của anh Nguyễn Đức Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi nói về tình hình giá cả tăng cao hiện nay. Suốt khoảng 2 năm dịch bệnh, gần như khoản thu nhập của gia đình anh Hưng chỉ vừa đủ chi cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng dù vậy, đều đặn hàng tháng, anh Hưng vẫn phải gửi tiền về cho bố mẹ già ở quê nhà tại Bắc Giang. 

Thuế thu nhập cá nhân đang bộc lộ nhiều hạn chế. Ảnh: LD.

"Ông bà ở quê cũng già, chi phí lo sinh hoạt rồi thỉnh thoảng thăm khám cũng phát sinh thêm. Nhắc đến tiền thuế lại thấy sốt ruột, giảm trừ gia cảnh giờ không được nhiều, không hề phù hợp với thực tế "bão giá" hiện nay. Có khi đóng tiền một học kỳ cho con là hết" - anh Nguyễn Đức Hưng nói.

Dù phải chật vật với tình hình vật giá nhưng theo phản ánh của người dân, họ còn phải đối mặt với câu chuyện đóng thuế TNCN mà trong đó nhiều nội dung đã quá lỗi thời. Nhiều người lao động bày tỏ, ở vào bối cảnh hiện tại, mức giảm trừ 11 triệu đồng mỗi tháng cho người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc đã không còn không bắt kịp với sự phát triển, và đặc biệt là không đủ để người dân có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng ngày, nhất là ở các đô thị lớn. 

Biểu thuế 7 bậc quá rườm rà

Một trong những bất cập lớn hiện nay của Luật Thuế TNCN là cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá rườm rà, gây khó hiểu cho người dân.

Theo đó, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: (1) Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; (2) mức 5-10 triệu đồng 10%; (3) mức 10-18 triệu đồng 15%; (4) mức 18-32 triệu đồng 20%; (5) mức 32-52 triệu đồng 25%; (6) mức 52-80 triệu đồng 30% và (7) từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.

Các chuyên gia Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính phân tích, việc quy định biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành chưa thực sự hợp lý, dẫn đến nhiều vướng mắc.

Theo đó, biểu thuế này nhiều hơn so với các nước trên thế giới, đồng thời mức độ giãn cách giữa các bậc thấp còn quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế, làm tăng số thuế phải nộp. 

Ngoài ra, mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay là khá cao, làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao làm việc Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu quy định quá nhiều nhóm chịu thuế sẽ làm công tác quản lý phức tạp và tạo “kẽ hở” cho việc trốn thuế…

Ngày 12.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Lê Quang Cường  - Trưởng Bộ môn Thuế (Khoa Tài chính công, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh) cho biết, thuế TNCN hiện có những vấn đề cần phải xem lại đó là giãn cách thu nhập giữa từng bậc thuế, khoảng cách hiện tại khá gần nhau, cần nới lỏng ra.

Ngoài ra, theo TS Lê Quang Cường, mức thuế suất đối với thuế TNCN cũng cần cân nhắc lại.

"Mức độ thuế suất, đỉnh của chúng ta là 35%, ngang bằng với những nước phát triển hơn mình. Nên chăng là rút cái đỉnh đó thấp hơn. Mức thuế suất cao nhất hiện tại còn cao hơn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%" - TS Lê Quang Cường nói. 

Ông Cường cũng đưa ra mô hình giảm trừ gia cảnh ở một số nước phát triển, hay còn gọi là mức giảm trừ thuế ở một số nước. Một số nước phát triển như Mỹ đưa ra mức giảm trừ 15.000 USD nhưng cho 2 cách thức. Cách 1 có thể chọn ngay mức giảm trừ này. Nhưng cách 2 có thể chọn trừ theo chi phí (nhà cửa, đóng học cho con cái,... ) rồi trừ theo chi phí đó, và cái hay là lấy hoá đơn thì người bán sẽ không thể trốn thuế. 

Trong khi đó, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích, nên rút gọn biểu thuế 7 bậc hiện nay bởi đang quá dày đặc và gây khó hiểu cho người dân. Ông Thịnh kiến nghị, biểu thuế TNCN còn 3 bậc, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 đến 100 triệu đồng/tháng, và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên.

Về thuế suất, bậc thấp chỉ nên thu thuế ở mức 2% thay vì 5% như hiện nay, bậc trung bình thuế suất tính 10% và bậc cao thuế suất tính 20%.

Đồng thời, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí lên 18-20 triệu đồng/tháng, bởi khi giá cả thị trường đã tăng lên thì mức 11 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp. Ngoài ra, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn