MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Loạt cây xăng đóng cửa: Bộ Công Thương nói cơ bản đáp ứng nguồn cung

Cường Ngô LDO | 12/10/2022 16:58

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trên cả nước có tổng 17.000 cửa hàng xăng dầu, vừa rồi xảy ra các sự việc các cửa hàng đóng cửa, tạm ngưng bán hàng, nhưng số lượng chính xác cần phải thống kê lại. Dù có bao nhiêu đi chăng nữa, đó cũng là trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương nhận trách nhiệm

Trong bài viết "Vì sao có những doanh nghiệp 3 tháng không nhập xăng dầu?", Báo Lao Động đặt vấn đề nguyên nhân chính khiến thị trường xăng dầu "điêu đứng" trong thời gian qua là vấn đề cấp phép xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong quý 3, chỉ có 19 trong số 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu, còn lại không thấy nguồn hàng về. Vậy 14 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu còn lại, hạn mức nhập khẩu trong quý 3 như thế nào?

Việc kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu theo hạn ngạch được Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát đối với những doanh nghiệp này ra sao? Giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới như thế nào?

Hiện, Việt Nam có tới 36 doanh nghiệp đầu mối và gần 500 thương nhân phân phối, trong khi đó, Nhật bản chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối. Vậy thị trường xăng dầu Việt Nam khác như thế nào mà cần một hệ thống cung ứng lớn như vậy? 

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, loại hình thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, nhiều tầng nấc, không phải dạng doanh nghiệp đầu mối - nơi phát nguồn hàng hóa xăng dầu. Vậy cần thiết phải duy trì loại hình này không.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương. Ảnh: N.C 

Trả lời vấn đề này trong cuộc họp báo thường kỳ quý III tổ chức chiều 12.10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, nguyên nhân chính của tình trạng trên xuất phát từ việc các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Họ chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Theo ông, cuối năm 2021, tình hình thế giới biến động rất phức tạp, thậm chí là xấu, không ai mong muốn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung xăng dầu. Đến giờ phút này, Bộ Công Thương cố gắng chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt doanh nghiệp các địa phương cơ bản đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân.

"Song, chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách tổng thể, trên cả nước có 17.000 cửa hàng xăng dầu, vừa rồi xảy ra các sự việc cửa hàng đóng cửa, tạm ngưng bán hàng, nhưng số lượng chính xác cần phải thống kê lại, nhưng dù có bao nhiêu đi chăng nữa, đó cũng là trách nhiệm của Bộ Công Thương (là đầu mối) và các Bộ ngành khác có liên quan. Chúng tôi nhìn thẳng vào những trách nhiệm đó và có biện pháp xử lý, giải quyết", ông Đỗ Thắng Hải nói.

Doanh nghiệp cần đảm bảo đủ tổng lượng nhập khẩu

Về việc theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong quý 3.2022, chỉ có 19 trong số 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu, còn lại không thấy nguồn hàng về, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, theo Nghị định 95 (sửa đổi Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu, khái niệm doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu đã đổi thành doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Có nghĩa hiện tại chỉ tính tổng nguồn và doanh nghiệp có thể mua ngay từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn. Một năm, Bộ Công Thương giao hạn mức cho họ nhập khẩu cho doanh nghiệp đầu mối, nhưng không nhất thiết tháng nào hạn mức nhập khẩu cũng giống nhau, có tháng nhiều, tháng ít, cuối năm đảm bảo đủ tổng lượng nhập khẩu là được. 

Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Thắng Hải, hiện tại, doanh nghiệp đầu mối có thể mua ngay từ nguồn trong nước, không nhất thiết doanh nghiệp nào cũng phải xuất khẩu, hoặc phải nhập khẩu.

Trong quý 2.2022 vừa qua, do việc nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, giảm công suất, xuống còn 50%, thậm chí có thời gian gián đoạn, chính vì vậy, Bộ Công Thương đã phải đưa ra quyết định yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tăng lượng nhập khẩu và sản xuất trong nước. 

"Tuy nhiên, có thời điểm lúc mua rất cao, nhưng sau đó liên tục giảm đã dẫn tới các doanh nghiệp bị thua lỗ. Khi lỗ thì phải cắt giảm bớt chi phí, trong đó có phần chiết khấu xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý", người phát ngôn Bộ Công Thương cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn