MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời điểm thanh tra, Công ty Diesel Sông Công chưa hoàn tất thủ tục chuyển 38.968m2 đất giao sang hợp đồng thuê đất hằng năm. Ảnh: Chụp màn hình

Loạt vi phạm, khuyết điểm khi tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Lam Duy LDO | 05/09/2023 06:39

Thanh tra Chính phủ (TTCP) yêu cầu Bộ Công Thương kiểm điểm và chỉ đạo, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được xác định tại Kết luận thanh tra 1538 năm 2023 về việc tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc bộ này.

Còn 35% đơn vị chưa được cổ phần hóa

Theo chỉ đạo, trong giai đoạn 2011-2017, Bộ Công Thương phải thực hiện cổ phần hóa (CPH) 2 tổng công ty, 7 công ty TNHH MTV, 1 viện và 10 công ty TNHH MTV trực thuộc nhưng báo cáo của bộ này cho thấy, bộ mới hoàn thành CPH và chuyển đổi 13 doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần và mới đạt 65% số doanh nghiệp phải CPH.

TTCP chỉ ra rằng, Bộ Công Thương chưa thực hiện CPH đối với 9 tổng công ty, công ty theo đề án và “chịu trách nhiệm về việc chưa hoàn thành nhiệm vụ CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Kết luận của TTCP cũng cho thấy việc rà soát, tái cơ cấu DNNN còn chưa kịp thời, thiếu toàn diện, chưa khắc phục được tình trạng một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động kém hiệu quả, một số dự án đầu tư lớn lâm vào tình trạng trì trệ chậm tiến độ, khó khăn và thua lỗ...

Nguy cơ nhà nước không thu được tiền thuê đất

Khi tiến hành kiểm tra, xác minh một số nội dung về CPH, thoái vốn tại Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư (Fococev), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE), TTCP chỉ ra nhiều vi phạm, sai quy định khi xử lý công nợ, tài chính và đất đai và lưu ý công tác quản lý đất đai gắn với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là gắn với công tác CPH còn nhiều vướng mắc, thiếu chặt chẽ, gây ra trở ngại lớn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nói chung và CPH nói riêng.

Cụ thể tại VEAM, đến thời điểm thanh tra, công ty con là Công ty Diesel Sông Công chưa hoàn tất thủ tục chuyển 38.968m2 đất giao sang hợp đồng thuê đất hằng năm và 1.224m2 đất sử dụng làm công trình phúc lợi, không có hợp đồng thuê đất, chưa thực hiện trả tiền thuê đất hằng năm. Việc này thực hiện không đúng quy định của Nhà nước, có nguy cơ Nhà nước không thu được tiền thuê đất, tạo sơ hở về quản lý đất đai trong CPH doanh nghiệp. Trách nhiệm thuộc Công ty Diesel Sông Công, Ban chỉ đạo CPH VEAM, Bộ Công Thương.

Chuyển Bộ Công an xác minh, điều tra

Đáng chú ý tại Công ty Fococev, TTCP chỉ ra nhiều vi phạm trong việc quản lý, sử dụng khu đất 1.124,7m2 tại đường Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và khu đất 596m2 tại thôn 2, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk như vi phạm quy định về quy trình lập phương án sử dụng đất và phê duyệt trong phương án CPH quy định tại Nghị định 59/2011, dẫn đến không quản lý được và không thực hiện được phương án sử dụng 2 khu đất theo phương án CPH Fococev, có nguy cơ thất thoát, lãng phí đất đai của Nhà nước.

Trong đó với khu đất 1.124,7m2 tại đường Trần Phú, trước và khi CPH, Fococev chỉ tiếp nhận bàn giao theo ghi nhận sổ sách từ Công ty Vật tư tổng hợp Khánh Hòa chứ không có bàn giao theo thực trạng. Trên diện tích đất này, Công ty Vật tư tổng hợp Khánh Hòa bố trí cho các hộ dân ở từ năm 1994 với lý do các hộ thiếu nhà ở; từ đó đến nay, các đơn vị được giao quản lý trước cho đến Fococev đều không quản lý được khu đất, chỉ theo dõi treo và luân chuyển, bàn giao trên sổ sách.

Đáng chú ý, trước khi thực hiện CPH Fococev, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc sắp xếp lại đất đai tại Fococev, vi phạm Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Fococev chưa hoàn thành thủ tục chuyển các loại đất, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai nhưng đã thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để CPH và bàn giao sang công ty cổ phần là vi phạm Nghị định 189/2013 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
Từ kết quả kiểm tra, xác minh này, TTCP cho biết, chuyển thông tin vụ việc vi phạm để Bộ Công an xác minh, điều tra, xử lý theo quy định.

Kiến nghị xử lý về kinh tế hơn 2.338 tỉ đồng
Trong Kết luận thanh tra 1538, TTCP chỉ ra tổng giá trị phát hiện cần kiến nghị xử lý về kinh tế là hơn 2.338,7 tỉ đồng. Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì xử lý tại VNSteel số tiền hơn 1.370 tỉ đồng; Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN chủ trì xử lý tại Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) số tiền hơn 261 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn