MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lỗi hệ thống, Grab trả tiền dư cho hàng loạt nhà hàng đối tác

Đình Trường LDO | 20/01/2020 15:00

Vài ngày trước Tết Nguyên đán 2020, nhiều nhà hàng đối tác của dịch vụ GrabFood ngạc nhiên khi Grab thông báo sẽ lấy lại khoản tiền trả dư lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng do lỗi hệ thống thanh toán trong 5 tháng liền. 

Giật mình khi bị truy thu tiền... trả dư trong 5 tháng

Một ngày đầu tháng 1.2020, anh Nguyễn Nam Hưng - chủ một nhà hàng Humberger ở quận 9 TPHCM không khỏi giật mình khi nhận được email của công ty Grab cho biết, nhà hàng của anh sẽ bị truy thu số tiền tổng cộng 82 triệu 413 nghìn đồng. 

Nguyên nhân được phía Grab thông báo như sau: "Vì lý do lỗi hệ thống thanh toán, từ ngày 12.7 đến ngày 18.12.2019, Grab đã chuyển khoản dư số tiền mà nhà hàng chạy khuyến mãi trong khoảng thời gian trên cho đối tác". 

Như vậy, theo Grab, số tiền hơn 82 triệu đồng là khoản khuyến mãi mà nhà hàng của anh Hưng đã giảm giá đồ ăn cho khách. Lượng tiền này đáng nhẽ đã bị trừ ngay thời điểm khách mua. Tuy nhiên, vì lỗi hệ thống của Grab, nó lại được chuyển ngược dần về tài khoản của chủ nhà hàng. Và giờ đây, Grab ra thông báo truy thu lại toàn bộ số tiền này. 

Đầu tháng 1.2020, Grab thông báo truy thu tiền trả dư với một loạt nhà hàng đối tác.

"Tôi cảm thấy sốc. Bởi vì trong suốt một thời gian dài, Grab âm thầm chuyển thừa để rồi tích tụ thành con số lớn như vậy. Sai sót là của họ và nhà hàng không kiểm soát được" - anh Nguyễn Nam Hưng cho biết.

Đến thời điểm này, có ít nhất gần 20 nhà hàng đã phản ánh tới báo Lao Động với tổng số tiền bị truy thu hàng trăm triệu đồng. Có thể kể ra vài trường hợp như: Nhà hàng Vitafresh (quận Tân Bình, TPHCM) hơn 25 triệu; Nhà hàng Chè Hiện Đại (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) gần 40 triệu; quán Cháo Ếch Singapore (quận 1, TPHCM) gần 70 triệu... 

Một số nhà hàng đối tác bất ngờ khi nhận được thông báo truy thu tiền trả dư của Grab.

Theo tìm hiểu PV, vào ngày 10.1, Grab gửi thông báo về lỗi hệ thống và tổng số tiền sẽ truy thu tới các nhà hàng. Đến ngày 13.1, Grab đã bắt đầu trừ dần số tiền trả dư này trong các khoản thu hàng ngày của đối tác. 

"Cần phải có một sự thương lượng hợp lý về cách thức cấn trừ. Nếu cứ trừ vào tiền hàng mỗi ngày thì quán không thể xoay vòng vốn và không thể hoạt động được nữa" - chị Tú Xuyên - đối tác nhà hàng Bánh Tráng Việt nói.

Thông báo cấn trừ công nợ vào tiền thanh toán hàng ngày của Grab với một đối tác.

"Giờ tiền hàng Tết cứ bán được bao nhiêu là bị Grab cấn trừ. Hôm trước bán được 10 triệu thì bị trừ còn gần 3 triệu, xót hết ruột" - chị Hoài Phương - đại diện quán Cháo Ếch Singapore nói. 

Động thái truy thu này khiến một số nhà hàng gặp khó dù trong email gửi tới các đối tác bị truy thu, Grab có gửi kèm theo một bảng tính để đối chiếu.

Hàng trăm giao dịch với chằng chịt những mã đơn hàng, ngày tháng, phí dịch vụ,.. được yêu cầu kiểm chứng trong 2 ngày (11 và 12.1), rồi ngay sau đó cấn trừ nợ.

Một phần bảng kê mà Grab gửi cho đối tác để kiểm tra tiền truy thu. Lượng giao dịch lên tới hơn 700 lượt.

Grab Việt Nam nói gì?

Ngày 16.1, trao đổi với PV Lao Động, đại diện truyền thông của Grab Việt Nam xác nhận thông tin về lỗi hệ thống thanh toán đã dẫn tới việc truy thu tiền của hàng loạt đối tác nhà hàng.

"Về việc thu hồi phần chuyển khoản chênh lệch từ đối tác nhà hàng GrabFood, trong quá trình rà soát, đối chiếu sổ sách, chứng từ kế toán năm 2019, chúng tôi nhận thấy đã có sai sót, dẫn đến việc chuyển khoản, thanh toán chi phí với con số chưa chính xác cho một số đối tác nhà hàng GrabFood. Ngay khi phát hiện, chúng tôi đã chủ động liên hệ, gửi lời xin lỗi, thông báo thời gian tiến hành thu hồi khoản chênh lệch, đồng thời gửi lại bảng đối chiếu với thông số chính xác để phía đối tác tiện rà soát, phản hồi, và có giải pháp để thu hồi lại phần chuyển khoản, thanh toán bị chuyển sai từ phía đối tác. " - đại diện này cho biết. 

Theo đại diện Grab, đa phần đối tác đã chủ động cùng Grab giải quyết việc thu hồi phần chênh lệch. Thậm chí, có đối tác còn chủ động báo cho Grab biết là đã chuyển dư tiền cho họ và xin chuyển lại phần chênh lệch này. 

Liên quan tới thời hạn thu hồi khoản tiền chênh, đại diện Grab cho biết đã cử nhân viên làm việc đồng thời gửi email thông báo thời hạn thu hồi khoản chênh lệch rõ ràng để phía đối tác có thời gian chủ động sắp xếp.

Cụ thể, việc thu hồi được chia thành nhiều đợt, mỗi đợt bắt đầu trong khoảng 4-7 ngày sau khi gửi email thông báo và số ngày nêu trên đã được tính toán cẩn thận, nhằm đảm bảo ít ảnh hưởng đến doanh số của đối tác. Thậm chí với một số đối tác đóng cửa sớm do nghỉ Tết, việc thu hồi này cũng tạm dừng cho đến sau Tết mới tiếp tục triển khai.

Công ty này cho biết vẫn đang tiếp tục làm việc với các đối tác còn lại để xử lý vụ việc này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn