MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ 1.9, người mua nhà được vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác. Ảnh: Hải Nguyễn

Lợi ích khi người dân được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác

Minh Ánh LDO | 27/07/2023 20:47

Theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1.9, người dân mua nhà, mua xe có thể vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác. Chuyên gia phân tích mặt lợi từ quy định mới này.

Ngân hàng cạnh tranh, người dân có được lợi về lãi suất?

Theo quy định mới tại Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1.9, ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống như mua nhà, mua ô tô.

Cụ thể, trường hợp một khách hàng cá nhân đang có dư nợ khoản vay mua nhà (hoặc mua xe) tại ngân hàng A, tuy nhiên, xét thấy ở ngân hàng B cùng khoản vay như vậy nhưng có lãi suất thấp hơn hoặc có dịch vụ ưu đãi hơn, thì khách hàng hoàn toàn có thể đến ngân hàng B để đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho ngân hàng A.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại nhà băng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho biết, quy định của thông tư đang tạo điều kiện thông thoáng hơn trong việc vay nợ và trả nợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh nhau hơn về lãi suất để có khách hàng, từ đó người vay sẽ được lợi.

"Với quy định mới, quan hệ giữa khách hàng đi vay và các ngân hàng sẽ khác. Người đi vay hoàn toàn có thể chọn các ngân hàng có lãi suất, dịch vụ tốt hơn. Từ đó buộc các ngân hàng phải cạnh tranh nhau" - ông Thịnh nói.

Thủ tục xét duyệt cho vay khó, người dân sẽ ít mặn mà?

Xét trên góc độ người mua nhà, ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần G-Home - đánh giá cao quy định mới tại Thông tư 06/2023 của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, cho phép người vay mua nhà có thể vay của ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác sẽ làm minh bạch hơn, tăng tính cạnh tranh đối các ngân hàng trong cả quá trình vay của khách hàng chứ không giới hạn vào việc chỉ cạnh tranh đối với lãi suất "ưu đãi" như hiện tại.

Trao đổi với phóng viên, ông Nam cho biết, khoản vay với mục đích mua nhà là khoản vay dài hạn, theo khảo sát của G-home, thời hạn thấp nhất cũng là 5 năm và nhiều nhất là 25 năm. Thêm vào đó, đây cũng là các khoản vay có giá trị lớn nên mỗi một biến động về lãi suất hoặc phương án trả nợ cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh tài chính của người vay trong thời gian dài.

"Hiện tại nhiều ngân hàng cho vay mua nhà đang sử dụng 'chiến thuật' cho ưu đãi lãi suất trong 1 đến 2 năm đầu, sau đó sử dụng lãi suất thả nổi (là lãi suất tiền gửi 13 tháng + biên độ dao động từ 3,5-5%) làm những khách hàng không có kinh nghiệm thường chỉ tính mức chi trả hàng tháng đối với lãi suất ưu đãi và 'ngã ngửa' khi ngân hàng áp dụng lãi suất thả nổi. (Ví dụ: 1 năm đầu lãi suất chỉ 7%/năm nhưng trong 19 năm còn lại, lãi suất lên đến 12%/năm)" - ông Nam nói.

Trả lời Lao Động, ông Thạc Vũ Kỷ - Trưởng phòng Kinh doanh của một đại lý ô tô tại Hà Nội - cho biết, quy định mới tại Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có tác động mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ông Kỷ cho rằng, mỗi khách hàng mua ô tô nếu có vay của ngân hàng, đều sẽ "theo chân" ngân hàng đó liên tục, bởi hồ sơ xét duyệt vay tín dụng đã được chuẩn chỉnh. Nếu khách hàng chuyển sang ngân hàng khác để vay thì việc xét duyệt lại phải quay trở lại từ đầu.

"Việc khách hàng được chuyển sang ngân hàng khác để vay trả nợ trước hạn cho một ngân hàng khác sẽ chỉ diễn ra nếu lãi suất vay hoặc dịch vụ đi kèm giữa hai ngân hàng có sự chênh lệch lớn. Nếu mức lãi suất chỉ chênh lệch nhỏ, cách biệt không quá lớn, các khách hàng cá nhân sẽ ngại chuyển sang một ngân hàng khác để vay" - ông Kỷ nói.

Theo ông Kỷ, đa phần khách hàng mua xe sẽ có tâm lý đồng hành với một ngân hàng, thậm chí một nhân viên ngân hàng dù có chuyển việc sang ngân hàng khác thì khách hàng đã vay vẫn sẽ đi theo nhân viên đó nếu muốn vay tiếp. "Đơn giản bởi việc xét duyệt hồ sơ vay tín dụng rất khó, ai đã quen ở đâu thì họ chọn đi theo bên đó mãi" - ông Kỷ cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn