MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ vọng xuất khẩu cà phê bứt phá trong năm 2022 sang thị trường EU. Ảnh: Vũ Long

Lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại rất lớn

Vũ Long LDO | 06/02/2022 13:55

Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã và đang mở rộng cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tạo lập thị trường xuất khẩu ổn định cho Việt Nam

Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Việt Nam đã ký kết 15 FTA. Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Trong đó, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ ngày 1.1.2022 là một trong những nhân tố đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần để các doanh nghiệp Việt Nam có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia thương mại kỳ vọng trong thời gian tới, RCEP sẽ tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Còn theo bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, lợi ích lớn nhất của RCEP mang lại là đưa bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho toàn bộ ASEAN và 4 nước đối tác khác. Vì thế, doanh nghiệp sử dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ của hiệp định RCEP thay vì sử dụng quy tắc xuất xứ của các hiệp định khác nhau. Việc này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không phải hiểu nhiều các quy định khác nhau trong xuất xứ của các hiệp định. 

Theo Bộ Công Thương, sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được cơ hội từ Hiệp định: Xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt khoảng 40,07 tỉ USD, tăng 14%. Hơn nữa, trong năm qua, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 201.846 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 7,8 tỉ USD đi 27 nước EU. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi như: Tôm, gạo, hồ tiêu…

Dự kiến trong năm 2022, xuất khẩu cà phê tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỉ USD mỗi năm mà EU đang có.

Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo thị trường xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia các FTA. Trong đó, các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.

Không để logistic là "nút thắt" ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu

Với sự hậu thuẫn của các FTA, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có cơ hội bứt phá. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), để hỗ trợ tăng trưởng xuất nhập khẩu, logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Do đó, trong năm 2022, cần rà soát, đánh giá những kết quả đạt được trong việc triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, qua đó chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2025 - 2035.

“Chi phí logistics, đặc biệt là chi phí vận tải biển vẫn là vấn đề nóng. Do vậy, cần bám sát tình hình giá cước vận tải biển, kiểm tra, rà soát đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật về niêm yết, công khai giá; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do chi phí vận tải tăng cao. Chúng ta đã có hệ thống chỉ tiêu thống kê về logistics, năm 2022 sẽ là năm đầu tiên thực hiện công tác thu thập, công bố dữ liệu thống kê về logistics đảm bảo chính xác, kịp thời” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10-15%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao, sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả... cần nhanh chóng thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn