MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lợi nhuận năm 2021 của ngành dầu khí dự kiến tăng xấp xỉ 36% so với 2020. Ảnh minh họa: Website PV Gas.

Lợi nhuận ngành dầu khí sẽ phục hồi 36% trong năm 2021

Minh An LDO | 17/01/2021 16:51
SSI Research dự báo trong năm 2021, lợi nhuận của ngành dầu khí sẽ tăng xấp xỉ 36% so với năm 2020 nhưng vẫn giảm 17% so với 2019.

Theo SSI Research, dù nhu cầu dầu phải đối mặt với áp lực đáng kể nhưng khả năng tăng giá nhiều hơn rủi ro giảm đối với giá dầu ở thời điểm hiện tại.

Dựa trên ước tính của các tổ chức kinh tế trên thế giới về giá dầu trong năm 2021, dầu Brent sẽ đạt mức bình quân 52 USD/thùng trong năm 2021, tăng 23% so với năm 2020.

Giá dầu tăng sẽ thúc đẩy lợi nhuận cũng như hoạt động E&P (tìm kiếm, thăm dò, khai thác). SSI Research kỳ vọng các dự án lớn sẽ khởi động trong giai đoạn 2021-2022, bao gồm nhà máy điện Nhơn Trạch 3 (tổng giá trị hợp đồng EPC là 500 triệu USD), phát triển khí ngoài khơi ở Block B (vốn đầu tư là 9,7 tỉ USD) và đường ống (chi phí đầu tư là 1,3 tỉ USD).

Ước tính lợi nhuận của ngành dầu khí sẽ phục hồi 35,7% trong năm 2021 nhưng vẫn giảm 17% so với 2019. Petrolimex và PV Gas được coi là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của ngành.

Kết quả kinh doanh của Petrolimex, Oil, BSR trong năm 2021 có thể được hỗ trợ nhờ cả giá nhiên liệu tăng và sản lượng tiêu thụ phục hồi về mức trước COVID.

SSI Research cho biết, xây dựng cơ sở hạ tầng cho LNG là trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Một số khu liên hợp LNG đã được Chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí và nhu cầu điện ngày càng tăng.

PV Gas là công ty đi đầu thị trường với cảng LNG Thị Vải sẽ vận hành vào cuối năm 2022 cung cấp LNG cho Nhơn Trạch 3 & 4. Tuy nhiên, trong dài hạn, tổng công ty không còn độc quyền trong ngành cung khí nữa khi các công ty trong và ngoài nước như Delta Offshore, Gulf, Sojitz, AES, Petrolimex… sắp tham gia vào thị trường.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2035, sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước từ 17-21 tỉ m3 vào năm 2035 và tiêu thụ khí đốt từ 23-31 tỉ m3, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu để bù đắp nhu cầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ có kế hoạch tăng tỉ trọng sản xuất điện khí để đa dạng hóa các lựa chọn năng lượng và giảm khí thải. Cụ thể, Quy hoạch tổng thể phát triển điện lực VIII sắp tới (được đề xuất vào cuối tháng 1.2021) dự kiến sẽ đặt ra mức tăng trưởng cao cho công suất phát điện khí. Công suất phát điện từ LNG theo quy hoạch là gần 48.000 MW, kế hoạch này rất lớn nếu so với tổng công suất cả nước hiện nay là 58.000 MW.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn