MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng hy sinh lợi nhuận để giảm lãi vay. Ảnh: Gia Miêu

Lợi nhuận ngành ngân hàng giảm tốc

Gia Miêu LDO | 22/07/2023 07:52

Nhiều ngân hàng đã hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận suy giảm do tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần thu hẹp và nợ xấu tăng lên.

Tính đến ngày 14.7, có 11/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã có báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh Quý II và 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng nhưng giảm tốc đáng kể. Lợi nhuận sau thuế của 11/27 ngân hàng niêm yết duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ tăng 3,5%, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trong quý I là 11,6%.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của BacABank, lợi nhuận trước thuế quý II của ngân hàng này đạt 139 tỉ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý 1 có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 474 tỉ đồng, tăng 10%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của BacABank chỉ tăng từ 0,55% lên 0,7%, vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của BacABank cũng thuộc nhóm dẫn đầu, đạt 158% tại ngày 30.6.2023. Trước đó, tỷ lệ này đạt tới 204% vào cuối năm 2022.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỉ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, con số này cũng chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỉ đồng.

LPBank cũng đã công bố báo cáo tài chính, ghi nhận lợi nhuận quý II/2023 chỉ ở mức 880 tỉ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng đạt 2.446 tỉ, giảm 32%.

Tại ACB, theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, lợi nhuận trước thuế trong quý II/2023 của Ngân hàng chỉ khoảng 4.400 - 4.700 tỉ đồng, giảm 4-10% so với cùng kỳ nhưng vẫn hoàn thành 48-50% kế hoạch của đại hội cổ đông đặt ra. ACB là ngân hàng có quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới nên chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm.

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, tuy chưa công bố chính thức báo cáo tài chính nhưng các lãnh đạo đã hé lộ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank, cũng chia sẻ, huy động vốn và tín dụng 6 tháng đầu năm của ngân hàng này tăng trưởng lần lượt 6,6% và 2,6% so với cùng kỳ; đạt quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỉ đồng; chất lượng tín dụng được kiểm soát.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Tốc độ tăng trưởng này giảm đáng kể so với mức tăng trưởng bình quân gần 35% trong năm ngoái. Trong đó, VCBS cho rằng sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng và sự phân hóa này càng tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm 2024.

Lợi nhuận giảm tốc của ngành ngân hàng, theo nhóm phân tích VCBS, do tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần (NIM) thu hẹp và nợ xấu tăng lên. Trong đó, với một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục.

Đồng thời, VCBS hạ dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng xuống khoảng 12% trong năm 2023 do lãi suất cho vay ở mức cao và sức khỏe tài chính của khách hàng suy giảm.

Theo VCBS, việc tăng lãi suất huy động đã bắt đầu được phản ánh vào biên lãi thuần thu hẹp (NIM), trong khi tín dụng tăng chậm lại, các khoản nợ chậm trả có xu hướng gia tăng. Ở khía cạnh quản trị rủi ro, nợ xấu và nợ tiềm ẩn tiếp tục tăng. Cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,9% từ mức 1,6% cuối 2022, tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%. Chi phí tín dụng tăng chậm lại khi các ngân hàng tích cực trích lập trước thời hạn cho các khoản nợ xấu tiềm tàng trong các quý trước. Hoạt động xử lý nợ xấu gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn