MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có sự bức tốc. Ảnh: Hải Nguyễn

Lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn sẽ giữ phong độ

Gia Miêu LDO | 26/05/2024 10:47

Đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% để thúc đẩy phục hồi kinh tế, tuy nhiên điều này đầy thách thức với ngành ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng đạt mức tối thiểu 0,26% trong quý đầu tiên.

Trong mùa đại hội cổ đông vừa qua, không ít ngân hàng đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay trên dưới 10% và tự tin với kế hoạch 2024 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, tín dụng dần cải thiện.

Có thể thấy, mục tiêu lợi nhuận các ngân hàng đặt ra cho năm nay không quá đột biến so với mức đạt được của năm rồi, song cũng có không ít áp lực khi tín dụng còn tăng chậm, nhiều khả năng chỉ đạt 10-11% trong năm nay và biên lãi ròng (NIM) chưa tăng cao do ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng.

Trong khi đó, nguồn thu ngoài lãi, nhất là với kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng chưa cải thiện. Nợ xấu dù Thông tư 02 đã được gia hạn, nhưng khi hết hiệu lực sẽ tăng cao nên dự phòng sẽ lớn hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, sự phục hồi sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nhờ chính sách tiền tệ toàn cầu được nới lỏng; lãi suất thấp hơn, tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn và nhu cầu tiêu dùng được cải thiện, góp phần vào triển vọng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023.

Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng vừa công bố, nhấn mạnh về tín dụng, theo tổ chức FiinGroup, tăng trưởng tín dụng được dự kiến sẽ cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2024, do nhu cầu tín dụng tăng từ các khu vực sản xuất xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gia tăng.

Tuy nhiên, sự suy giảm về chất lượng tài sản của toàn hệ thống vẫn tiếp diễn sang năm 2024, gây ra những lo ngại nghiêm trọng cho ngành ngân hàng: Tỉ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao và chưa đạt đến đỉnh điểm, buộc Ngân hàng Nhà nước phải gia hạn chính sách cơ cấu lại khoản vay để hỗ trợ khách hàng.

Khi chất lượng tài sản hồi phục chậm, các ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực gia tăng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh lời.

Các yếu tố bất định vẫn tồn tại khi chính sách tiền tệ có thể thay đổi trong nửa cuối năm 2024 do áp lực lạm phát, có thể làm tăng chi phí huy động vốn và ảnh hưởng đến NIM của các ngân hàng vào cuối năm 2024 và năm 2025.

Cuối cùng, thu nhập phí dịch vụ ròng và hoa hồng có thể gặp thách thức, chủ yếu do các vấn đề với hoạt động bảo hiểm sau khi Luật Tổ chức Tín dụng mới có hiệu lực vào tháng 7/2024. Điều này có thể khiến các ngân hàng phải cơ cấu lại các dịch vụ không phải tín dụng để tăng doanh thu.

Trong khi đó, theo góc độ đánh giá của tổ chức VIS Rating, lợi nhuận của ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2024 nhờ điều kiện hoạt động trong nước tốt hơn và lãi suất thấp hỗ trợ khả năng trả nợ của người đi vay và NIM cải thiện hơn. Nguồn vốn và thanh khoản sẽ duy trì ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi theo kịp tăng trưởng cho vay và các ngân hàng tăng nguồn vốn dài hạn.

Trong các quý tới, nhu cầu tín dụng sẽ dần tăng và NIM sẽ cải thiện so với mức năm 2023, từ đó thúc đẩy tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của các ngân hàng tăng dần.

Tuy nhiên, điểm cần chú ý là bộ đệm rủi ro vẫn còn yếu do tỉ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục giảm. Lợi nhuận cao hơn dẫn đến tỉ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình của ngành tăng lên 8,9% trong 3 tháng đầu năm 2024 từ mức 8,6% vào năm 2023. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu của ngành ngân hàng giảm xuống 86% từ mức 92% trong cùng kỳ.

Đến cuối năm 2024, tỉ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng của ngành sẽ giảm so với năm trước do tỉ lệ hình thành nợ xấu mới suy giảm và các ngân hàng giải quyết các khoản nợ xấu thông qua việc thu hồi hoặc xóa nợ, các chuyên gia của tổ chức VIS Rating nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn