MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lợi nhuận nghìn tỉ, giá cổ phiếu LienVietPostBank vẫn bị "thổi bay" 16,3%

Hồ Phan LDO | 14/01/2020 15:43

Không chỉ đứng cuối về giá giao dịch trong danh sách 18 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết, cổ phiếu của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã LPB) còn bị mất giá nhiều nhất, lên tới 16,3% trong năm 2019.

Dù chỉ có 18 cổ phiếu của ngân hàng đang được giao dịch trên 3 sàn HSX, HNX và UpCom, sự phân hóa về giá giao dịch và mức độ tăng trưởng ngày càng rõ nét hơn khi thị trường chứng khoán 2019 vừa khép lại sau một năm nhiều biến động.

Các số liệu về giá đóng cửa năm 2019 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) cho thấy, trong khi giá cổ phiếu của nhiều cổ phiếu ngân hàng có mức tăng trưởng vượt trội tới 40-70% so với năm 2018, tình trạng bết bát lại xuất hiện tại không ít cổ phiếu ngân hàng.

Cụ thể theo số liệu từ HNX và HSX, bức tranh tăng trưởng giá cổ phiếu của khối ngân hàng không đồng đều. Nhóm tăng trưởng tốt nhất vẫn là các cái tên quen thuộc như Vietcombank (VCB) với mức tăng 70,1% dẫn đầu thị trường, BIDV (BID) với mức tăng 40,39% hay Eximbank (EIB) và MBB.

Biến động giá cổ phiếu ngân hàng trong năm 2019. Nguồn: HNX, HSX, UpCom

Ngược lại, nằm ở vị trí cuối bảng, giá cổ phiếu LBP của LienVietPostBank có mức sụt giảm mạnh nhất nhóm, lên tới 16,3%.

Điều bất ngờ là mức tăng giảm giá cổ phiếu ngân hàng trong năm 2019 dường như không hoàn toàn phù hợp với các chỉ tiêu tài chính cơ bản của ngân hàng. Bởi theo thống kê của Công ty chứng khoán VCBS, LPB là một trong 6 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế dưới mốc 2.000 tỉ đồng, cùng với EIB, BAB, VBB, KLB và NVB.

Báo cáo tài chính quý III/2019 của các ngân hàng cho thấy, LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế 1.636 tỉ đồng với chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12,6%, các chỉ số tương ứng tại EximBank (EIB) và KienLongBank (KLB) chỉ lần lượt đạt 1.103 tỉ đồng, 4,1% và 236 tỉ đồng, 6,4%.

Dẫu vậy, cổ phiếu EIB và KLB vẫn lần lượt có mức tăng giá  tới 24,91% và 26,26% trong năm 2019 theo số liệu của HNX và HSX, bất chấp các chỉ tiêu tài chính quan trọng thấp hơn rất nhiều so với LPB.

Từ mức trên 10.000 đồng/CP, giá cổ phiếu LPB đã giảm xuống dưới 8.000 đồng/CP từ tháng 6.2019 và duy trì đến tận thời điểm hiện nay. Ảnh: VNDIRECT

Đặt trong bối cảnh hiện nay, niềm tin từ thị trường có thể là nguyên nhân tác động mạnh đến giá cổ phiếu LPB trong suốt một năm qua. Các chuyên gia của chứng khoán VNDIRECT trong phân tích mới đây cũng cho rằng, cổ phiếu LPB giảm sức hấp dẫn do hoạt động công bố thông tin chưa hiệu quả và mức độ cam kết của ban lãnh đạo đối với việc thực hiện chiến lược chưa cao.

VNINDECT dẫn ví dụ, dù có kế hoạch chuyển sàn từ UPCOM sang HOSE trong một khoảng thời gian nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành quyền mua với tỉ lệ 26,69% không thành công và chỉ thu về một nửa số tiền dự kiến huy động.

Phân tích về mức giảm giá quá mức cổ phiếu LPB của VNDIRECT. Ảnh: Báo cáo của VNDIRECT

“Ngoài ra, quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu 10% cho năm 2018 sau nhiều năm trả cổ tức tiền mặt đã làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu” – VNDIRECT nhận định.

Ở một khía cạnh khác, như Báo Lao Động phản ánh, từ cuối quý II và trong suốt quý III/2019, dù ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng so với cùng kỳ 2018, chất lượng tài sản tại LienVietPostBank lại cho thấy dấu hiệu suy giảm rõ rệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn