MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lợi nhuận sụt giảm và hệ quả vay nợ USD lớn tại PGV

Kim Ngân LDO | 05/10/2022 09:01

Tỉ giá giữa đồng Việt Nam với đôla Mỹ tăng là diễn biến đã được dự báo từ trước khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) tuyên bố liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Dù vậy, với nhiều doanh nghiệp có vay nợ lớn bằng USD như Tổng Công ty Phát điện 3 vẫn không tránh khỏi bị tác động mạnh.

Chi phí tài chính của Tổng Công ty Phát điện 3 tăng vọt do chênh lệch tỉ giá. Ảnh: DN
Cứu cánh từ công ty liên kết           

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 sau soát xét mới được công bố của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3, mã chứng khoán: PGV) đã điều chỉnh lại theo hướng tăng lợi nhuận sau thuế cho doanh nghiệp lên 1.411 tỉ đồng, tăng thêm 157 tỉ đồng so với báo cáo tự lập, tương đương tăng 12,5%.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này gần như không thay đổi. Trong hoạt động tài chính, doanh thu ghi nhận giảm 117 tỉ đồng xuống 133 tỉ đồng; chi phí giảm 17,3 tỉ đồng xuống 947 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đáng chú ý là hoạt động liên doanh, liên kết mang lại khoản lãi 253,4 tỉ đồng trong khi báo cáo tự lập không ghi nhận khoản lãi này.

PGV lý giải, tại thời điểm lập báo cáo tài chính quý II/2022 chưa soát xét, Tổng Công ty chưa có báo cáo tài chính của các công ty liên kết.

Đến thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ sau soát xét, Tổng Công ty thực hiện hạch toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu nên doanh thu hoạt động tài chính giảm 99 tỉ đồng, phần lãi trong công ty liên kết đạt 253 tỉ đồng.

Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế 6 tháng cả trong báo cáo riêng và báo cáo hợp nhất đều vẫn giảm mạnh, lần lượt 280 tỉ đồng và 225 tỉ đồng.

Lãnh đạo PVG lý giải, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 là 2.525 tỉ đồng, tăng 471 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Trong cơ cấu nguồn thu, doanh thu hoạt động tài chính lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 là 133 tỉ đồng, giảm 502 tỉ đồng; trong khi chi phí tài chính lại tăng 308 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021 lên 947 tỉ đồng.

Đây là yếu tố khiến lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp của PGV lũy kế giảm 205 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021 xuống 1.711 tỉ đồng.

“Quả tạ” mang tên chênh lệch tỉ giá

Trong giải trình kết quả lợi nhuận luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 sau soát xét, PGV cho biết, đã lý giải nguyên nhân khiến chi phí tài chính tăng vọt.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay, yếu tố khiến tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng chủ yếu là do lỗ chênh lệch tỉ giá tăng 816 tỉ đồng (6 tháng đầu năm 2022 lỗ chênh lệch tỉ giá là 318 tỉ đồng trong khi 6 tháng đầu năm 2021 doanh nghiệp ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỉ giá là 498 tỉ đồng) và chi phí lãi vay giảm 30 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng của PGV ghi nhận chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm là hơn 399 tỉ đồng trong khi con số đầu năm chưa tới 17 tỉ đồng, chiếm hơn 86% trong chi phí phải trả ngắn hạn.

Trong số các khoản vay của doanh nghiệp này ngoài vay bằng đồng Việt Nam thì có khoảng 36.868 tỉ đồng dư nợ vay bằng USD, là các khoản PGV vay lại từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Các khoản vay bằng USD đang chiếm 86,6% tổng dư nợ vay của doanh nghiệp; là nguồn vốn PGV cấp vốn cho dự án Nhiệt điện Mông Dương với giá trị 23.360 tỉ đồng, lãi suất thả nổi Libor (lãi suất liên ngân hàng London) 6 tháng + biên độ; Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, gồm 3.800 tỉ đồng lãi suất 3,45%/năm và 9.600 tỉ đồng lãi suất Libor 6 tháng + 2,65%/năm.

Theo thuyết minh, tại ngày 30.6, lãi suất áp dụng cho các khoản vay lại từ EVN bằng USD là lãi suất thả nổi, từ 1,09% đến 4,4%/năm.

Mức lãi suất huy động này chỉ tương đương một nửa so với lãi suất mà doanh nghiệp vay bằng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, rủi ro tỉ giá đã khiến doanh nghiệp ghi nhận khoản chênh lệ tỉ giá khá lớn như đề cập ở trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn