MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo, MB kỳ vọng dựa trên 3 động lực tăng trưởng lớn. Ảnh: MB

Lợi thế cạnh tranh của MB trong năm 2024

Minh Ánh LDO | 06/03/2024 17:19

Chiều 6.3, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã MBB) tổ chức gặp mặt nhà đầu tư để thông tin về kết quả kinh doanh và động lực tăng trưởng năm 2024. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chủ trì buổi gặp mặt.

Lợi thế cạnh tranh của MB năm 2024 ở đâu?

Tại buổi gặp mặt, ông Lưu Hoài Sơn, Giám đốc Ban Kế hoạch & Marketing MB cho biết, trong giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo, MB kỳ vọng dựa trên 3 động lực tăng trưởng lớn.

Thứ nhất là bán lẻ. Hiện MB có hơn 26 triệu khách hàng, dự kiến 2024 sẽ đạt 30 triệu. Số lượng khách hàng đang sử dụng sản phẩm cơ bản nhất của MB là tiền vay, có 453 nghìn khách hàng và đang tăng trưởng tốt. Đây là điểm rất kỳ vọng trong tương lai.

Dư nợ bán lẻ và dư nợ cho vay khách hàng siêu nhỏ (micro SME) đang chiếm 51% trong tổng cơ cấu nợ của MB và tốc độ tăng trưởng vẫn đang rất tốt, là động lực giúp MB tăng trưởng rất tốt trong 3-4 năm vừa qua. Hiện số lượng khách hàng tương tác thường xuyên trên App và BizMB rất cao, có khoảng 10-15% số lượng giao dịch vay có thể chuyển trên nền tảng số và hi vọng sẽ mở rộng trong năm 2024.

Bán lẻ sẽ giúp CASA của MB tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Với bối cảnh 2024 khi các TCTD bước vào chu kỳ kinh tế mới, tức là mặt bằng lãi suất cho vay giảm, thì lợi thế CASA và chi phí vốn sẽ giúp MB có điều kiện tốt để đưa đến khách hàng các khoản vay với chi phí hợp lý mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận cao trong tương lai.

Động lực thứ 2 là chuyển đổi số. Những năm qua MB đầu tư rất lớn cho chuyển đổi số, đang có kết nối với hệ sinh thái khách hàng trên khắp các nền tảng, tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng. Nhờ chuyển đổi số, số lượng giao dịch tăng trưởng rất cao nhưng chi phí vận hành và chi phí cho nhân sự giao dịch này lại giữ nguyên.

Động lực tăng trưởng thứ 3 là hợp lực tập đoàn. Hiện hệ sinh thái của MB là tập đoàn tài chính có đầy đủ các dịch vụ tài chính, từ chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… tạo ra động lực nội sinh đầy đủ và lớn nhất ngành tài chính ngân hàng. Điều này đã thể hiện kết quả rõ ràng qua sự tăng trưởng của từng thành viên, chẳng hạn số lượng khách hàng của MBS tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 2 năm.

Bên cạnh những thuận lợi, MB cũng xác định những khó khăn, thách thức nhất định. Đầu tiên là công tác quản trị tín dụng. Hiện MB đã triển khai mô hình quản trị rủi ro tín dụng nhiều tầng. Bên cạnh đó ngân hàng cũng chuyển đổi mô hình kinh doanh của MB theo hướng ESG để đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Đàm Nhân Đức - Kinh tế trưởng MB cho biết, MB tự hào dẫn đầu về chuyển đổi số. Điều này xuất phát từ lịch sử hình thành của MB với các lãnh đạo có cá tính mạnh, quyết tâm, đã nói là làm mà đã làm là phải được. Chính sự quyết tâm đó, "gen" trong con người MB đã giúp MB tăng trưởng nhanh và vững trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn trong khoảng 7 năm trở lại đây.

Ông Đàm Nhân Đức - Kinh tế trưởng MB chia sẻ tại buổi gặp mặt nhà đầu tư. Ảnh chụp màn hình.

Bên cạnh đó, MB dịch chuyển và mở rộng bán lẻ tốt, hiện chuyển đổi số dẫn đầu và có doanh số giao dịch trên kênh số lớn nhất; CASA (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi) tăng trưởng bền vững qua các năm và đang ở top đầu thị trường.

"Chúng tôi rất cảm ơn nhà đầu tư đã giúp MB vượt trội trên thị trường" - ông Đức nói. Theo đó, tốc độ tăng trưởng vốn hoá của MB nhanh, giai đoạn 2017 - 2024 vốn hoá tăng trưởng gấp 7 lần, cao hơn mức chung thị trường.

Hiện giá trị MBB đang giao dịch rẻ hơn nhiều so với thị trường, tuy nhiên Kinh tế trưởng MB khẳng định: "Người ta nói của rẻ là của ôi nhưng MB thì không hề như vậy".

Dự báo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024

Nói về động lực tăng trưởng kinh tế của ngành ngân hàng năm 2024, ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng MB nêu tên 5 động lực nổi bật là sự hồi phục của nền kinh tế; Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng và Chính phủ sẽ tận dụng thời cơ này; Tăng trưởng tín dụng ở mức cao so với GDP (thường ở mức cao hơn gấp đôi), đặc biệt là tín dụng bán lẻ luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn ngành;

Tiếp theo là thanh toán số tăng mạnh, bình quân khoảng 30% nhưng giao dịch qua kênh số tăng trưởng mạnh. Cùng với chỉ tiêu tín dụng/GDP của Việt Nam còn thấp hơn các nước như Thái Lan, Singapore… nên đây là những động lực tăng trưởng cho các ngân hàng nói chung trong đó có MB, đặc biệt là ở mảng bán lẻ và mảng số.

Cũng theo Kinh tế trưởng MB, năm 2023 động lực tăng trưởng của nền kinh tế chỉ có đầu tư công, đầu năm 2024 mảng tiêu dùng vẫn tốt nhưng tăng trưởng yếu, ngoài ra mảng xuất nhập khẩu phục hồi rõ nét trong những tháng đầu năm. Ông Đức dự đoán đây là nhân tố sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng ngành ngân hàng tích cực hơn so với 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn