MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Masan Consumer tham gia hội chợ xuất khẩu TPHCM. Ảnh: Masan Group

Lợi thế hệ sinh thái toàn diện, Masan Consumer đặt mục tiêu đưa hàng Việt ra toàn cầu

Ngọc My LDO | 31/07/2023 21:10

Tự tin với chất lượng sản phẩm mang đậm “chất” Việt, Masan Consumer cũng như các doanh nghiệp nội địa khác, thông qua những thương hiệu thế mạnh của mình, như bộ gia vị CHIN-SU, phở CHIN-SU, Lẩu tự sôi Omachi, cà phê Vinacafe,… mong muốn "gây thương nhớ” cho người tiêu dùng toàn cầu thông qua chiến lược “Go Global”. 

Cam kết với mục tiêu này, Masan Consumer (Công ty thành viên tập đoàn Masan) đã và đang đầu tư có chiều sâu, chuẩn bị đầy đủ cho chiến lược “Go Global-Vòng quanh thế giới”, từ phối hợp với cơ quan nhà nước, đến việc dày công nghiên cứu khẩu vị, quảng bá sản phẩm đến các thị trường tiềm năng.

Đồng hành cùng Sở Công Thương TPHCM

Vào ngày 25.5.2023 vừa qua, Masan Consumer đã đồng hành cùng Sở Công Thương tham gia sự kiện Diễn đàn và Hội chợ Xuất khẩu TPHCM, tạo lực đẩy phát triển cho hoạt động xuất khẩu, quảng bá sản phẩm chất lượng Việt ra thế giới, góp phần cùng thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Gian hàng CHIN SU tại hội chợ xuất khẩu TPHCM. Ảnh: Masan Group

Tại sự kiện, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM chia sẻ: “Diễn đàn & Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM là một sự kiện mang tính hàng năm, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, tìm kiếm đối tác, các nhà nhập khẩu, người mua hàng tiềm năng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà sản xuất quảng bá sản phẩm, thương hiệu trong nước đến thị trường quốc tế”.

Với việc phối hợp cùng các cơ quan nhà nước đẩy mạnh kinh doanh quốc tế, đơn vị này thể hiện sự quyết tâm “Go Global”, mang về nguồn ngoại tệ dồi dào, giúp thúc đẩy nền kinh tế nước nhà.

Chinh phục thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới

Theo báo cáo của Globaldata, quy mô thị trường bán lẻ Nhật năm 2021 rơi vào khoảng 798.732 tỉ USD. Đây là con số cực kì ấn tượng của Nhật Bản, với quy mô dân số chỉ hơn 125 triệu người và tỷ lệ tự cung, tự cấp lương thực chưa tới 38%. Nhật Bản quả là thị trường đầy tiềm năng đối với bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu.

Gian hàng CHIN-SU tại sự kiện hội chợ xuất khẩu TPHCM. Ảnh: Masan Group

Mặt khác, từ năm 2022 đến nay, đồng Yên suy yếu do chính sách nới lỏng tiền tệ của BOJ (Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản), cùng với giá dầu tăng cao do ảnh hưởng cuộc chiến Nga-Ukraina, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, khiến chi phí sản xuất tăng. Hệ quả là những mặt hàng thiết yếu của Nhật Bản cũng lên giá từng ngày làm cho việc chi tiêu của các hộ gia đình trở nên căng thẳng.

Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu như hàng Việt Nam đảm bảo được chất lượng tương đương nhưng có giá bán thấp hơn hàng hóa của các nước khác nhập khẩu vào Nhật Bản; hoặc Việt Nam cung cấp được các mặt hàng có thể thay thế cho sản phẩm nội địa của Nhật Bản.

Masan Consumer nhận thấy rõ cơ hội này. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, đơn vị này đã dày công nghiên cứu khẩu vị của người Nhật Bản, những nguyên liệu phổ biến với người Nhật. Vào tháng 3.2023 vừa qua, họ đã thành công ra mắt bộ sản phẩm Khẩu Vị Nhật Bản tại Triển lãm Ẩm thực Quốc tế Japan Foodex.

Sản phẩm CHIN-SU khẩu vị Nhật Bản. Ảnh: Masan Group

Bên cạnh đó, vào 30.05.2023 vừa qua, Masan Consumer đã thành công ra mắt Bộ sưu tập gia vị và Phở CHIN-SU tại sự kiện Seoul Food 2023, sự kiện ẩm thực lớn nhất Hàn Quốc, được người tiêu dùng dành cho hàng loạt lời khen tặng. Đây là thành quả sau nhiều năm đầu tư nghiên cứu và phát triển bộ sản phẩm phù hợp với văn hóa ẩm thực, tiêu chuẩn của Hàn Quốc của đơn vị này.

Việc ra mắt sản phẩm tại hai quốc gia có hợp chuẩn, hợp quy nghiêm ngặt bậc nhất thế giới chỉ trong 3 tháng là bước đầu rất khả quan, tạo đà cho Masan Consumer phủ rộng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, phục vụ nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng và kiều bào người Việt đang sống, học tập, và làm việc tại 2 quốc gia này.

Kết quả ban đầu khả quan

Trong kinh doanh, việc thấu hiểu năng lực cốt lõi doanh nghiệp cũng như điểm mạnh, điểm yếu, sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ thành công khi lên kế hoạch doanh số, và thị trường mục tiêu.

Các sản phẩm thương hiệu CHIN-SU. Ảnh: Masan Group

Công ty Masan Consumer nhận thức rõ thách thức và cơ hội của họ. Đơn vị này đang tăng tốc chiến lược "Go Global" nhắm tới mục tiêu 15% doanh số năm 2027 đến từ kinh doanh quốc tế. Với tỷ trọng hiện tại là 4%, Masan Consumer cần đặt mức tăng trưởng 2 - 3% mỗi năm, tương đương mức tăng gần 4 lần vào thời điểm 2027.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023, mảng xuất khẩu ngành hàng gia vị của đơn vị này đạt mức tăng trưởng doanh thu đến 20,2%, đạt 95 tỉ đồng vào quý 2/2023 từ mức chỉ 79 tỉ đồng vào quý I/2023.

Sự khởi đầu mạnh mẽ tại Hàn Quốc, Nhật Bản là một đòn bẩy cho các sản phẩm của Masan Consumer dễ dàng thâm nhập nhiều thị trường phát triển khác trên thế giới như Úc, châu Âu và Bắc Mỹ…

Việc xuất khẩu thành công sản phẩm sang các thị trường lớn không chỉ đánh dấu một bước tiến mới của Masan Consumer, mà còn góp phần khẳng định vị thế hương vị Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới, giúp quảng bá hình ảnh đất nước cho những lợi ích lâu dài trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn