MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. Ảnh: TCTK

Lợi thế riêng sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực hơn năm 2024

Đức Mạnh (thực hiện) LDO | 31/12/2023 16:07

Năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, các tổ chức trong nước và quốc tế vẫn dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khá hơn năm nay. Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương về những kỳ vọng trong năm 2024 sắp tới.

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về mức độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

- Trong bối cảnh hầu hết các tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay suy giảm hơn năm trước (ở mức dưới 3%), Việt Nam đạt tăng trưởng 5,05% là hết sức tích cực. Đây là điểm sáng trong khu vực và thế giới, khẳng định nỗ lực của chúng ta trong thời gian qua.

Con số GDP tăng dần theo các quý cho thấy, khó khăn ngay từ đầu năm nhưng chúng ta đã không bỏ cuộc, quyết tâm huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài đã đạt được kết quả tích cực. Khu vực 1 (nông lâm nghiệp thuỷ sản) tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ vững chắc với các mặt hàng xuất khẩu gạo, rau củ quả đạt được con số ấn tượng chưa từng có. Vốn FDI thực hiện đạt 23 tỉ USD là con số cao nhất trong 5 năm qua. Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế với Việt Nam. Khách du lịch đến Việt Nam đạt khoảng 12,6 triệu lượt người, vượt mục tiêu ban đầu 8 triệu.

Tuy nhiên, trong năm nay cũng như năm tới, các tổ chức quốc tế đều nhận định nhu cầu toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Điều này thể hiện qua việc ngành chế biến chế tạo tăng trưởng thấp hơn so với những năm trước, kéo theo lượng hàng tồn kho tăng cao. Đây là thách thức của Việt Nam cũng như kinh tế thế giới trong năm tới.

Bên cạnh đó, những tác động bất lợi từ phân mảng chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, bão lũ không lường trước đều là những thách thức lớn.

Trên nền tảng đó, bà kỳ vọng như thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sắp tới?

- 2024 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn nhưng các tổ chức trong nước và quốc tế vẫn dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khá hơn năm nay. Chúng ta có những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có, đó là niềm tin của cả người dân và doanh nghiệp trong nước và thế giới. Toàn bộ bộ máy đang quyết liệt theo định hướng sáng suốt, tập trung vào đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực...

Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024. Nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Năm 2024 cũng là năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ dốc toàn lực cho chặng đường về đích này. Đây có thể là những thuận lợi mang tính chủ quan nhưng cũng là áp lực lớn cho hoạt động kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Xin cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn