MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, người đưa lúa thơm xuống ao tôm để trở thành mô hình Lúa thơm - tôm sạch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lúa thơm – tôm sạch, vui Tết bên nồi cơm gạo mới

NHẬT HỒ LDO | 01/02/2022 10:13
Từ khi gạo ST25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019, cây lúa thơm đã thật sự bén duyên cùng đồng đất miền ven biển phía Nam. Chính những giống lúa thơm được gieo trồng trên đất nuôi tôm đã cho ra đời mô hình Lúa thơm – tôm sạch. Và cũng chính mô hình này, giúp cho nhà nông khấm khá hơn ngay trên đồng đất của mình.

Năm mới với nồi cơm gạo mới

Mô hình lúa trên đất nuôi tôm xuất hiện khá lâu tại các tỉnh ven biển ĐBSCL, nhưng mãi cho đến năm 2019, khi gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới người ta mới biết đến lâu nay trên những cánh đồng tôm cây lúa vẫn sống được. Thậm chí cho ra hạt gạo ngon đẳng cấp quốc tế.

Gạo ST25 "chính chủ" năm nay có thêm dòng chữ: Gạo Ông Cua do doanh nghiệp Hồ Quang Trí sản xuất. Ảnh: Nhật Hồ

Năm Nhâm Dần này, gạo ST25 không còn sốt như những năm trước đây. Bởi, nó đã quá quen trên bàn ăn của gia đình Việt.

Một lý do khác là chính ông Hồ Quang Cua - cha đẻ giống ST25 đã chuyển giao giống cho những cánh đồng lúa tôm các tỉnh ven biển miền Tây. Vì thế gạo ST25 không còn khan hiếm nữa. Dĩ nhiên chất lượng cơm từ giống lúa ST25 tùy theo loại khác nhau, nhưng nó vẫn giữ được chất thơm, ngon hơn các giống lúa thông thường gieo cấy trên đất lúa tôm trước đây.

Ông Hồ Quang Cua chia sẻ: “Từ hạt lúa ST25 đến hạt gạo ST25 là một quá trình phơi, sấy, chà ra hạt gạo cần tuân thủ nhiều kỹ thuật khác nhau. Gạo ngon đã đành, nhưng để có nồi cơm ngon đòi hỏi nghệ thuật của người nấu nữa”.

Có lẽ vì thế mà năm nay, ông Hồ Quang Cua “đóng dấu” trên bao bì gạo ST25 của mình sản xuất thêm dòng chữ “Gạo ông Cua”, chắc là để phân biệt gạo ST25 "chính chủ" với gạo ST25 bán đầy trên thị trường Tết.

Lúa đã thơm, tôm phải sạch

Là người rất tâm huyết với cây lúa, con tôm, ông Dương Thành Trung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Nếu nông dân trồng ra hạt lúa cho nhiều, nuôi được con tôm thật nhiều mà bán với giá thấp thì xem như không thành công”.

Tạm an tâm với cây lúa, chính ông là người kêu gọi các doanh nghiệp chế biến xuất  khẩu thủy sản xây dựng vùng nguyên liệu tôm sạch.

Bà Hồ Thị Kiểng, Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Thiên Phú, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Vùng tôm nguyên liệu đã sạch rồi thì giá tôm sẽ rất cao. Chính vì vậy chúng tôi liên kết với người nuôi để thực hiện mở rộng vùng nuôi tôm sạch nhằm nâng cao giá trị con tôm cho người nuôi”.

Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu bên mô hình lúa thơm - tôm sạch. Ảnh: Nhật Hồ

Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu Đỗ Minh Thắng, cho biết: “Năm nay lúa thơm ST24, ST25 được các hợp tác xã mua với giá trên 8.500 đồng/kg, năng suất rất cao khiến nông dân phấn khởi. Con tôm dưới chân ruộng vụ gần Tết giá cũng hợp lý. Chúng tôi hướng đến xây dựng toàn bộ diện tích lúa tôm của thị xã trở thành mô hình lúa thơm – tôm sạch”.

Thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa, thực hiện ký liên kết bao tiêu sản phẩm với một số doanh nghiệp, hợp tác xã; mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm, tôm càng xanh - lúa; nuôi tôm sú quảng canh cải tiến sử dụng chế phẩm sinh học...

Mô hình lúa thơm – tôm sạch đang dần mở rộng tại các tỉnh ven biển miền Tây. Hướng đi này mở ra cơ hội để người dân nâng cao lợi nhuận trên chính cánh đồng của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn