MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lúa trồng theo hướng hữu cơ mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, môi trường. Ảnh: Xuân Nhi

Luân canh lúa - tôm theo hướng hữu cơ, nông dân thu lợi không ngờ

NGUYÊN ANH LDO | 08/02/2024 12:10

Chuyển mạnh sản xuất theo mô hình luân canh lúa – tôm và hình thành mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ từ rất sớm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân huyện An Biên (Kiên Giang) mà còn tạo ra hệ sinh thái sạch để nuôi tôm hiệu quả, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững.

Nông dân nhập cuộc làm lúa hữu cơ

Anh Phạm Chí Mến, 1 nông dân đang theo đuổi mô hình ruộng lúa hữu cơ ở huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) được 6 mùa vụ cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất lúa mùa ước đạt từ 700 – 800 kg/công tầm lớn, lợi nhuận thu về đạt hơn 5 triệu đồng/công, cao hơn hẳn so với canh tác lúa theo phương pháp truyền thống.

Hiện nay, gia đình anh Mến canh tác lúa hữu cơ giống ST 25 trên diện tích 3 ha, cùng các thành viên trong Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ấp Nam Quý, xã Đông Thái sản xuất theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp Hồ Quang Trí ở Sóc Trăng.

Anh Mến chia sẻ: "Quy trình kỹ thuật canh tác hữu cơ còn khá mới mẻ so với tập quán canh tác lúa truyền thống nhưng không khó lắm lại tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất. Giống, vật tư được doanh nghiệp bao tiêu và lúa sau thu hoạch đều được thu mua với giá cao hơn so với ngoài thị trường nên nông dân an tâm sản xuất".

Còn hộ anh Nguyễn Văn Huynh đang canh tác 20 ha lúa hữu cơ cho biết, sau khi chuyển đổi từ 2 vụ lúa/năm sang canh tác 1 vụ tôm 1 vụ lúa, gia đình anh cũng chưa tiếp cận với phương thức canh tác lúa hữu cơ. Tuy nhiên, thấy các nông dân khác làm có hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2020, anh Huynh đã chuyển sang canh tác lúa hữu cơ.

Anh Mến (trái) và ông Thương (phải) thăm đồng lúa canh tác hữu cơ. Ảnh: Xuân Nhi

“Mình thấy làm lúa hữu cơ có chi phí đầu tư thấp, thân thiện với môi trường. Lúc đầu cũng e ngại lắm nhưng giờ thấy hiệu quả cao vì chính mình đã làm, trải nghiệm”, anh Huynh bộc bạch.

Lợi nhuận gấp 4 canh tác truyền thống

Theo ông Phạm Chí Thương - Giám đốc HTX nông nghiệp ấp Nam Quý, những ngày đầu thành lập, 14 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 17 ha, đến nay mở rộng gần 100 ha với 21 thành viên.

“HTX áp dụng thành công mô hình tôm – lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, 3 năm hoạt động, lợi nhuận của HTX tăng gấp 3 lần so với năm đầu triển khai, lợi nhuận bình quân cho thành viên là gần 160 triệu đồng/năm, gấp 4 lần so với canh tác lúa truyền thống trước đây”, ông Thương vui vẻ cho biết.

Lợi nhuận cao, năng suất ổn định nên thành viên an tâm sản xuất; họ cũng thay đổi dần tập quán canh tác, hướng tới nâng dần chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Thương cũng cho biết thêm, thời gian tới HTX sẽ liên kết thêm với nhiều bà con nông dân lân cận để thành lập làng lúa hữu cơ và đăng ký chứng nhận hữu cơ cho tôm nuôi.

Ông Trang Minh Tú - Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Biên, nhận định: Canh tác hữu cơ giúp tôm được nuôi trong đất ruộng với nguồn thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh, không dùng hóa chất, kháng sinh. Môi trường nuôi tôm cung cấp dinh dưỡng đất cho cây lúa nên nhờ đó tiết kiệm chi phí phân bón, ngược lại cây lúa cải tạo môi trường đất tạo thức ăn tự nhiên cho tôm.

Năm 2023, huyện An Biên xuống giống lúa trên đất nuôi tôm khoảng 20.500 ha. Ảnh: Xuân Nhi

"Qua đó, góp phần tạo hướng đi bền vững trong sản xuất, giúp nông dân thực sự làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Mô hình này không chỉ tạo ra sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng mà về lâu dài còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo đất và nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm, giảm chi phí đầu tư trong sản xuất”, ông Tú nhấn mạnh.

Theo Phòng NNPTNT huyện An Biên, vụ mùa năm 2023, huyện An Biên xuống giống lúa trên đất nuôi tôm khoảng 20.500 ha. Trong đó, sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 500 ha, hiện có 3 công ty ngoài tỉnh đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX và các hộ dân. Riêng HTX ấp Nam Quý đã ký hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ với giá 10.000 đồng/kg, lúa hữu cơ sau khi thu hoạch năng suất đạt từ 7,5 – 8 tấn/ha.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn