MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: PV

Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp đừng trông chờ “tiền tươi”

K.L LDO | 06/06/2017 17:15
Những người làm Luật tiếp cận, đi theo nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó phân tích và đánh giá sự mong đợi, cái thiếu và yếu của doanh nghiệp để hỗ trợ, chứ không lấy tiền đưa cho từng doanh nghiệp.

Đó là khẳng định của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra sáng nay (6/6) tại Hà Nội.

Đồng thời, ông Đông cũng bác bỏ thông tin về việc dự thảo Luật áp đặt khu vực ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải cho DNNVV vay với một tỉ lệ nhất định.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam - cho biết: “DN có 6 điểm khó khăn tồn tại dai dẳng là mặt bằng, tiếp cận tín dụng, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường và khả năng tuân thủ các quy định của pháp luật”. Đối với Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Nam nhận định dự thảo luật đã đạt được một số điểm trọng tâm. Đó là có biện pháp hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các DN tham gia vào các chuỗi liên kết.

Trước băn khoăn về việc hỗ trợ cho 97 – 98% DNNVV sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách Nhà nước, ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - khẳng định, không có chuyện mang “tiền tươi” cho một DN cụ thể nào. Với những vấn đề cụ thể, Nhà nước sẽ tạo điều kiện để DN hoặc cá nhân tư vấn về vấn đề đó thu thập thông tin đưa về cơ quan nhà nước, sau đó công bố rộng rãi để DN sử dụng.

Ông Đông lấy dẫn chứng với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, Nhà nước sẽ giúp củng cố các cụm liên kết, tạo điều kiện củng cố chuỗi giá trị, cung cấp thông tin cho người dân trên cơ sở khảo sát thị trường thế giới, khả năng cạnh tranh theo mùa vụ, tổng nhu cầu, khả năng đáp ứng… Lấy dẫn chứng thứ hai về câu chuyện “giải cứu thịt heo”, ông Đông một lần nữa khẳng định, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ về thông tin, KHCN và vốn, thông qua đó đáp ứng nhu cầu DN. “Không có chuyện cầm từng đồng tiền đến từng hộ nuôi heo, hộ trồng vải để hỗ trợ bởi điều này còn vi phạm nguyên tắc của WTO và trợ giá, khi xuất khẩu sẽ bị kiện về chống bán phá giá nên điều này cân nhắc kĩ” – ông Đông khẳng định.

Bác bỏ thông tin về việc dự thảo luật áp đặt khu vực ngân hàng và các tổ chức tín dụng phải cho DNNVV vay, ông Đông khẳng định trong quá trình xây dựng luật chưa bao giờ có khái niệm đấy, đây chỉ là cách diễn đạt thổi phồng vấn đề. “Chưa bao giờ luật đưa ra yêu cầu áp đặt ngân hàng buộc phải cho vay theo 1 tỉ lệ nhất định”. Ông Đông cho biết, dự thảo ban đầu chỉ khuyến khích các ngân hàng cố gắng dành tối thiểu 30% dư nợ tín dụng trong hệ thống thống của mình để hỗ trợ các DNNVV. Thực tế đây không phải là ngoại lệ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới đều làm vậy, thậm chí có nơi áp đặt.

Hiện nay, Chính phủ đang đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu chỉ đơn thuần chạy theo số lượng thì mục tiêu nói trên là khả thi, tuy nhiên điều quan trọng là tỉ lệ DN hoạt động ổn định sau thành lập. Thứ trưởng Đông cũng khẳng định, nếu dự Luật Hỗ trợ DNNVV được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này sẽ là “món quà lớn cho DN”. Thông qua đó, góp thêm động lực để đạt được mục tiêu 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Ngày 12.6 tới đây, dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn