MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thể về nợ xấu ngân hàng trong năm 2021. Ảnh: L.Toàn.

Luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tăng hiệu quả xử lý nợ xấu

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 13/02/2022 16:18
Nợ xấu tăng mạnh ở nhiều ngân hàng trong bối cảnh Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sắp hết hạn vào tháng 8 tới. 

Nợ xấu tăng nhiệt

Các báo cáo tài chính quý IV/2021 và cả năm 2021 vừa được các ngân hàng thương mại công bố bước đầu phác họa những nét đầu tiên về bức tranh nợ xấu tại hệ thống ngân hàng Việt Nam trong năm 2021.

So sánh dữ liệu được các ngân hàng công bố cho thấy xu hướng nợ xấu có dấu hiệu tăng nhiệt rõ rệt tại nhiều ngân hàng thương mại.

Trong đó ngân hàng VPBank hiện đang tạm giữ vị trí dẫn đầu với việc "ôm" khoản nợ xấu lên tới hơn 15.800 tỉ đồng, tăng hơn 60% so với năm trước. Đáng chú ý trong đó, nợ nghi ngờ của VPBank tăng từ hơn 1.800 tỉ đồng năm 2020 lên gần 8.500 tỉ đồng vào năm 2021. 

Thậm chí một ngân hàng quốc doanh cũng đang gánh khoản nợ xấu lên tới gần 14.300 tỉ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn bất ngờ tăng vọt từ khoảng 1.891 tỉ đồng lên hơn 7.000 tỉ đồng. Nợ nghi ngờ của ngân hàng này cũng tăng từ hơn 1.600 tỉ đồng lên hơn 2.000 tỉ đồng. 

Một ngân hàng quốc doanh khác là BIDV trong năm 2021 cũng ghi nhận tổng số dư nợ xấu hàng vạn tỉ đồng. Cụ thể, ngân hàng này đang có khoản nợ xấu hơn 13.200 tỉ đồng. Số liệu giảm mạnh đến từ nhóm nợ có khả năng mất vốn, từ hơn 16.500 tỉ đồng xuống còn gần 7.000 tỉ đồng (giảm khoảng 58%). Dù vậy, nợ nghi ngờ của ngân hàng này cũng đã tăng từ khoảng 2.400 tỉ đồng lên hơn 3.400 tỉ đồng. 

Một số ngân hàng khác cũng nghi nhận có các khoản nợ xấu lên tới hàng nghìn tỉ đồng như Sacombank (5.700 tỉ đồng), SHB (5.100 tỉ đồng), VIB (4.600 tỉ đồng), HDBank (3.300 tỉ đồng) hay ACB (2.800 tỉ đồng).

Trong khi đó, áp lực nợ xấu cũng gia tăng tại một số ngân hàng như Techcombank hay ACB. Cụ thể, ở Techcombank, nợ xấu của ngân hàng này tăng từ khoảng 1.300 tỉ đồng năm 2020 lên gần 2.300 tỉ đồng vào năm 2021. Nhóm nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn ghi nhận mức tăng cao. Tại ngân hàng ACB, nợ xấu cũng  tăng từ hơn 1.800 tỉ đồng năm 2020 lên tới gần 2.800 tỉ đồng năm 2021. 

Ngân hàng "ứng xử" ra sao?

Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là các ngân hàng sẽ ứng phó và xử lý thế nào với số dư nợ xấu có xu hướng tăng nhanh trong năm vừa qua, đặc biệt khi tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh cũng như khả năng trả nợ của người dân và doanh nghiệp.

Về vấn đề tăng tính hiệu quả xử lý nợ xấu, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính trong quá trình triển khai; đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực tài chính - quản trị, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu.

Cùng với đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức này trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần luật hoá Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nợ xấu cao như hiện nay. 

Đáng chú ý theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết 42 của Quốc hội là nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15.8.2022, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành.

Khi đó, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng như quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. 

Chính vì vậy, phía Ngân hàng Nhà nước, VAMC và các tổ chức tín dụng đã tiến hành đề xuất lên Chính phủ về việc cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu. 

Đến tháng 10.2021, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 42 và đề xuất rà soát, nghiên cứu để luật hóa các quy định của chính sách này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn