MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia dự phóng NIM hệ thống ngân hàng duy trì ở mức 3,7% trong năm 2022. Ảnh: Hải Nguyễn

Lực kéo nào giúp lợi nhuận ngành ngân hàng cán đích trong tháng cuối năm?

Đức Mạnh LDO | 01/12/2022 17:29
Các chuyên gia kỳ vọng tỉ lệ an toàn vốn cao được giữ vững trong tương lai cùng các kế hoạch tăng vốn sẽ giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các ngân hàng.

Rủi ro trái phiếu tới an toàn hệ thống ngân hàng không lớn

Chứng khoán BSC cho biết, tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trong các ngân hàng thể hiện sự phân hóa và chỉ tập trung vào 4 ngân hàng thương mại cổ phần.

Cụ thể, tính đến hết quý 3.2022, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trong danh mục đầu tư của một số ngân hàng niêm yết lớn ở mức 218.221 tỉ đồng, tương ứng 2,2% tổng dư nợ tín dụng các doanh nghiệp thống kê, giảm 6% so với quý trước về quy mô.

Trong đó, một vài ngân hàng có danh mục trải dài các ngành sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. BSC cho rằng, với danh mục đầu tư trải dài nhiều ngành cùng việc chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu cho vay, tác động rủi ro đến an toàn hệ thống ngân hàng là không lớn.

Tuy nhiên, rủi ro về việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư này sẽ tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận một số ngân hàng quý 4.2022 và năm 2023.

Tỉ trọng trái phiếu trong cơ cấu tín dụng của các ngân hàng niêm yết tại cuối quý 3.2022 có xu hướng suy giảm và vẫn ở mức thấp. Ảnh: BSC Research

BSC dự phóng NIM hệ thống ngân hàng duy trì ở mức 3,7% trong năm 2022. Hỗ trợ đắc lực là sự phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân với NIM cao.

Nguyên nhân còn tới từ lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ (ước tính hết năm 2021) và tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn.

Dự báo NIM trong năm 2022. Ảnh: BSC Research

Cổ phiếu ngân hàng là cơ hội đầu tư hấp dẫn dài hạn

Để đạt được kế hoạch đặt ra đầu năm, Chứng khoán Agrisco cho rằng, các ngân hàng có thể phải có những giải pháp riêng như cơ cấu lại vốn tín dụng (đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ...) và tăng thu ngoài lãi.

Kỳ vọng một số ngân hàng có kế hoạch kinh doanh 2022 tăng trưởng cao như BID, VCB... vẫn hoàn thành được mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao, bộ đệm rủi ro và room tín dụng thấp sẽ gặp áp lực.

Việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR, gia tăng vốn chủ sở hữu và nguồn vốn trung dài hạn, phát triển kinh doanh.

Những thông tin cụ thể về kế hoạch phát hành riêng lẻ/phát hành ra công chúng thông thường sẽ tạo ra những biến động lên giá cổ phiếu.

Chứng khoán Agriseco nhận định: "Các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn trong các năm tới, đặc biệt khi đề án “Cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” được phê duyệt trong tháng 6 vừa qua.

Theo đó, tới năm 2025, nhóm ngân hàng thương mại có quy mô lớn phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu là 15.000 tỉ đồng trong khi các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, trung bình và có vốn nước ngoài là 5.000 tỉ đồng".

Về dài hạn, Agriseco tin rằng, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư.

Cùng với đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn